Đình Lập: Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
– Những năm gần đây, huyện Đình Lập đã chú trọng xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, qua đó, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Bà Đinh Thị Khang, thôn Hòa An, xã Thái Bình cho biết: Gia đình tôi đã trồng và phát triển cây chè từ nhiều năm nay, tuy nhiên trước đây, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Từ khi có Công ty Cổ phần chè Thái Bình thu mua, sản phẩm chè của gia đình có đầu ra ổn định, từ đó, tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng, chăm sóc. Đến nay, gia đình tôi có gần 2 ha chè, sản lượng hằng năm đạt từ 3 đến 4 tấn chè tươi, bán với giá từ 15 đến 18 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập 60 đến 80 triệu đồng mỗi năm.
Người dân thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập chăm sóc chè sau thu hoạch
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018, xã Thái Bình đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, trong đó, chú trọng phát triển cây chè theo hướng an toàn. Ông Chu Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với tập trung sản xuất, xã cũng quan tâm kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè cho bà con. Đến nay, toàn bộ sản phẩm chè của người dân đều được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định; năng suất, sản lượng chè liên tục tăng, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Hiện toàn xã có trên 37 ha chè, sản lượng chè hằng năm đạt trên 300 tấn, đem lại giá trị khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Không chỉ xã Thái Bình, từ năm 2018, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trung. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung cây trồng chủ lực như: vùng trồng chè diện tích khoảng 300 ha tại các xã: Lâm Ca, Thái Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình, sản lượng đạt 1.500 tấn/năm; vùng trồng thông, diện tích 50.000 ha tập trung chủ yếu tại các xã: Bắc Xa, Bính Xá, Kiên Mộc, sản lượng nhựa thông đạt 17.000 tấn/năm…
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tháng 10/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Đình Lập đã ban hành Nghị quyết số 28- NQ/HU về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 20/KH- UBND, trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng và phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; triển khai các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững. Huyện phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện xây dựng được 4 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn cùng sự chủ động từ người dân, đến nay, trên địa bàn đã có 2 doanh nghiệp, 10 cơ sở, gia đình chuyên thu mua, tiêu thụ sản phẩm chè và nhựa thông của người dân. Cụ thể, hiện nay Công ty Cổ phần chè Thái Bình liên kết bao tiêu đầu ra cho hơn 400 hộ dân trồng chè. Ngoài ra, một số cơ sở chế biến chè quy mô gia đình cũng thu mua ổn định chè của bà con.
Đối với sản phẩm nhựa thông, huyện đã tạo điều kiện để Công ty TNHH Rosin Industries Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhựa thông tại xã Cường Lợi. Theo kế hoạch, dây chuyền sản xuất sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 6/2022 với công suất 12.000 tấn/năm. Hiện tại, trên địa bàn cũng có các nhà máy như: nhà máy chế biến nhựa thông Hoàng Mai, chi nhánh Lạng Sơn đặt điểm chuyên thu mua nhựa thông, nhờ đó, sản phẩm có đầu ra ổn định.
Ông Hoàng Thanh Đạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Việc xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm phát triển vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng nâng cao hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp trên địa bàn.
Việc xây dựng và phát triển vùng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Tổng thu từ sản phẩm chè và nhựa thông năm 2021 của toàn huyện đạt trên 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước năm 2015. Đây sẽ là tiền đề để huyện Đình Lập tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()