LSO-Thời điểm này, vụ trồng rừng 2011 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản kết thúc. Chỉ tiêu trồng mới 8.000 ha rừng vẫn chưa hoàn thành thì riêng Đình Lập, diện tích trồng rừng tới thời điểm này đã đạt trên 2.300ha vượt 46% so với kế hoạch, “gánh đỡ” được xấp xỉ 30% chỉ tiêu trồng rừng của cả tỉnh.Các vườn ươm ở huyện Đình Lập chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng năm 2012Bắc Lãng: Rừng vàngBao giờ cũng thế, khi lúa mùa đã chắc bông, ngô cũng sắp được bẻ, người Bắc Lãng lại tất bật vào vụ khai thác rừng keo. Dọc theo quốc lộ 4B, vùng đất khó năm xưa, nay tấp nập kẻ bán, người mua. Trong những chiếc lán dựng tạm ven đường, từng đống gỗ keo bóc vỏ đã xếp ngay ngắn trực chờ xe đến bốc, số này một phần sẽ tỏa đến các khu khai thác “vàng đen” của đất nước làm gỗ trụ mỏ, số khác làm nguyên liệu giấy. Vụ này, người Bắc Lãng lại thu hàng trăm triệu đồng từ rừng.Chị Vi Thị Ngoan thôn Bản Hả vừa chăm chú nhìn từng đoàn...
LSO-Thời điểm này, vụ trồng rừng 2011 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản kết thúc. Chỉ tiêu trồng mới 8.000 ha rừng vẫn chưa hoàn thành thì riêng Đình Lập, diện tích trồng rừng tới thời điểm này đã đạt trên 2.300ha vượt 46% so với kế hoạch, “gánh đỡ” được xấp xỉ 30% chỉ tiêu trồng rừng của cả tỉnh.
|
Các vườn ươm ở huyện Đình Lập chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng năm 2012 |
Bắc Lãng: Rừng vàng
Bao giờ cũng thế, khi lúa mùa đã chắc bông, ngô cũng sắp được bẻ, người Bắc Lãng lại tất bật vào vụ khai thác rừng keo. Dọc theo quốc lộ 4B, vùng đất khó năm xưa, nay tấp nập kẻ bán, người mua. Trong những chiếc lán dựng tạm ven đường, từng đống gỗ keo bóc vỏ đã xếp ngay ngắn trực chờ xe đến bốc, số này một phần sẽ tỏa đến các khu khai thác “vàng đen” của đất nước làm gỗ trụ mỏ, số khác làm nguyên liệu giấy. Vụ này, người Bắc Lãng lại thu hàng trăm triệu đồng từ rừng.
Chị Vi Thị Ngoan thôn Bản Hả vừa chăm chú nhìn từng đoàn xe chở gỗ, vừa tủm tỉm cười. Rừng nhà chị năm nay chưa được khai thác, nhưng chỉ 2 năm nữa thôi, toàn bộ trên 24 ha keo của gia đình sẽ bước vào tuổi khai thác. Chỉ tính theo thời giá cách đây 3 năm, khi bố chị, ông Vi Đức Sinh khai thác 3 ha keo được xấp xỉ 100 triệu đồng, thì tính nhẩm cũng thấy giá trị khu rừng của chị Ngoan đến bạc tỉ. Với một xã nghèo như Bắc Lãng, trước đây số tiền vài chục triệu đồng đã là như mơ với họ, ấy vậy mà giờ đây tiền tỉ như đã chắc trong tầm tay. Chị Ngoan bảo: Cũng như các gia đình khác, nhà mình dồn tiền, rồi vay mượn thêm đầu tư cả trăm triệu đồng để mở đường vào tận rừng, sau này khai thác, ô tô cứ đến tận nơi.
Ông Lô Xuân Tàm, Phó Bí thư Đảng ủy xã cười tươi rói: Cách đây hơn 7 năm, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định phát triển rừng là hướng đi chủ lực để thoát nghèo. Từ đó đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân cải tạo và trồng rừng nguyên liệu rồi năm 2008 đã có những gia đình đầu tiên có thu nhập từ rừng, mà không phải ít, hàng trăm triệu đồng mỗi vụ khai thác. Đến nay trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ ở Bắc Lãng, đất trống, đồi trọc khi xưa, nay rừng đã phủ xanh. Mỗi năm huyện chỉ giao chỉ tiêu cho xã trồng mới hơn chục ha rừng, nhưng năm nào nhân dân cũng thực hiện gấp 4 – 5 lần số đó. Ngoài ra nhân dân còn đầu tư làm đường vào tận rừng tạo cho Bắc Lãng một mạng lưới đường xương cá từ rừng ra tận quốc lộ. Riêng năm nay, toàn xã đã trồng mới trên 50 ha rừng.
Phát triển từ sự đồng thuận
Nói về vấn đề trồng rừng, ông Nông Minh Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện hào hứng: Chẳng phải riêng trồng rừng ở Bắc Lãng phát triển mạnh mà hầu hết các địa phương trong huyện hiện nay đều sôi nổi với phong trào trồng rừng. Riêng trong năm nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn với chỉ tiêu trồng rừng, thì Đình Lập đã chủ động kiện toàn lại các Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 39 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất vay vốn trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả để tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân tiếp cận với nguồn vốn. Kết quả đã có 43 hộ trên địa bàn đăng ký vay vốn với tổng diện tích 372 ha. Cũng trong năm nay, với nhận thức từ giá trị kinh tế của rừng, nhân dân trong huyện đã tự đầu tư trồng mới 731ha. Chỉ tính riêng số diện tích nhân dân vay vốn và tự đầu tư đã lên tới trên 1.000 ha.
Mặt khác, Đình Lập tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như Đạt Anh, Thịnh Lộc Shinec, Dược liệu tốt…đầu tư trồng rừng trên địa bàn với diện tích thực hiện 262ha. Số còn lại là 447,5ha của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập; 295ha từ chương trình trồng cây phân tán và 230ha rừng phòng hộ của Nông lâm trường 461. Đã qua cái đợt tranh chấp, chặt phá cách đây vài năm, giờ đây lâm nghiệp Đình Lập đã và đang có sự phát triển nhanh chóng, con số trên 2.300ha trồng mới trong năm 2011 đã khẳng định sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của nhân dân địa phương đối với phát triển rừng. Lãnh đạo UBND huyện khẳng định: Chủ trương phát triển rừng đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tất cả chính là nhờ sự đồng thuận từ nhân dân.
Dọc theo quốc lộ 31 và quốc lộ 4B, các vườn ươm đang tất bật vào vụ mới. Trong những bầu đất mới ươm, từng mầm xanh đang nhu nhú vươn lên, chỉ vài tháng nữa thôi, chúng sẽ phủ xanh trên đất rừng Đình Lập. Chỉ tiêu trồng mới 1.600ha rừng trong năm 2012 như đã chắc trong tầm tay.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()