LSO-Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền huyện Đình Lập đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, dự án trồng rừng. Đặc biệt, từ cuối năm 2007, thực hiện Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND, ngày 27/12/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn về ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008-2015 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì công tác trồng rừng trên địa bàn huyện lại càng đạt hiệu quả cao hơn. Đến nay, diện tích đất có rừng của huyện đã phát triển lên tới trên 49 nghìn ha, trong đó diện tích rừng trồng là trên 28 nghìn ha. Nhiều dự án trồng rừng như dự án Việt - Đức, 661, nguyên liệu giấy, chương trình trồng cây nhân dân đã góp phần làm tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt gần 38% vào năm 2010. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Quyết định...
LSO-Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền huyện Đình Lập đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, dự án trồng rừng.
Đặc biệt, từ cuối năm 2007, thực hiện Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND, ngày 27/12/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn về ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008-2015 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì công tác trồng rừng trên địa bàn huyện lại càng đạt hiệu quả cao hơn. Đến nay, diện tích đất có rừng của huyện đã phát triển lên tới trên 49 nghìn ha, trong đó diện tích rừng trồng là trên 28 nghìn ha. Nhiều dự án trồng rừng như dự án Việt – Đức, 661, nguyên liệu giấy, chương trình trồng cây nhân dân đã góp phần làm tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt gần 38% vào năm 2010. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Quyết định 39 cùng với những kết quả đạt được thì công tác trồng rừng cũng cho thấy những hạn chế bất cập.
|
Vào bầu cây lâm nghiệp tại một vườn ươm ở huyện Lộc Bình |
Theo Quyết định 39 của UBND tỉnh, các hộ gia đình vay vốn từ các ngân hàng thương mại để trồng rừng sẽ được nhà nước hỗ trợ lãi suất là 50%. Từ năm 2007 đến năm 2010 đã có 11 xã, thị trấn của huyện Đình Lập tham gia chương trình và được hỗ trợ lãi suất, với trên 1800 hộ gia đình tham gia dự án, tổng vốn vay là trên 35 tỷ đồng, kinh phí nhà nước hỗ trợ lãi suất là hàng trăm triệu mỗi năm. Về kết quả trồng rừng theo chương trình, toàn huyện đã trồng được trên 5.227 ha, trong đó, trồng cây lâm nghiệp được 5.211,8 ha gồm trồng mới là 4.812 ha, trồng dặm là 399,4 ha và trồng cây ăn quả được 15,5 ha. Toàn bộ diện tích này được trồng trên đất trống đồi núi trọc, đất nương bãi cũ và trồng lại trên những diện tích đã khai thác cây. Từ đó đã góp phần hình thành phát triển cây lâm nghiệp theo khu vực và cho lợi ích kinh tế cao, đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại khu vực nông thôn. Xã cũng từ đó đã hình thành các cánh rừng có giá trị kinh tế cao như những cánh rừng thông khu vực các xã phía bắc và một số xã giáp với khu vực trung tâm của huyện, diện tích rừng keo tại các xã Bắc Lãng, Châu Sơn… Qua tìm hiểu tại xã Đình Lập, riêng Hội Nông dân của xã đã có gần 160 hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ khoảng 3 tỷ đồng, diện tích trồng được 600 ha rừng thông, có 16 thôn tham gia chương trình. Kết quả là vậy nhưng cũng qua 3 năm thực hiện tại cơ sở đã nảy sinh những bất cập trong triển khai như cơ chế quản lý hỗ trợ lãi suất cho vay để trồng rừng. Thời gian qua, mặc dù cấp huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách theo Quyết định số 39 của UBND tỉnh nhưng hoạt động của Ban chỉ đạo chưa hiệu quả, sự phối hợp quản lý giữa huyện và các ngân hàng thương mại chưa được chặt chẽ. Việc thẩm định dự án, xác định nhu cầu cho vay, tài sản thế chấp đối với hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Cũng từ sự phối hợp quản lý của các ngân hàng thương mại và Ban chỉ đạo huyện còn lỏng lẻo dẫn tới một số ít hộ gia đình chậm trả lãi theo quy định và sử dụng đồng vốn vay vào mục đích khác.
Thời gian thực hiện Quyết định 39 của UBND tỉnh còn gần 5 năm nữa và rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay khi chương trình trồng rừng theo dự án 661 trên địa bàn tỉnh kết thúc. Việc thực hiện chương trình sẽ tiếp tục góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn và tạo việc làm cho nhiều người dân. Để chương trình được triển khai hiệu qủa hơn nữa trong thời gian tới, trước tiên huyện tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện tới Ban chỉ đạo sản xuất cấp xã. Bên cạnh đó, giữa Ban chỉ đạo cấp huyện cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong quản lý nguồn vốn vay. Phòng chức năng tham mưu kịp thời cho huyện về quy trình thẩm định phê duyệt dự án, quy định cơ chế kiểm tra thực hiện cũng như chế độ thông tin báo cáo theo định kỳ. Chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của cấp trên về phát triển trồng rừng và vận động nhân dân tham gia thực hiện dự án có hiệu quả.
Công Quân
Ý kiến ()