Đình Lập: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn
- Với lợi thế sẵn có, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Đình Lập đã, đang tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn. Những mô hình du lịch nông thôn được hình thành vừa mang lại giá trị cao, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho du lịch Đình Lập.
Để tạo cơ sở phát triển du lịch nông thôn, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai chương trình, huyện Đình Lập đã từng bước phát triển, khai thác loại hình du lịch này.
Phát triển sản phẩm đặc trưng
“Để phát phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đình Lập, tôi nghĩ rằng, cấp uỷ chính quyền huyện cần tập trung phát huy 3 giá trị cốt lõi. Thứ nhất là giá trị về du lịch nông nghiệp nông thôn. Đây là một trong những giá trị cốt lõi thế mạnh mà huyện Đình Lập sở hữu, đặc biệt là du lịch nông nghiệp gắn với các vùng chè, vùng dược liệu và gắn với du lịch sinh thái, đây là tiềm năng lợi thế lớn nhất. Thứ 2 là giá trị cốt lõi về giá trị sinh thái tài nguyên tự nhiên mà huyện Đình Lập sở hữu các hồ chứa nước có diện tích lớn có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái ven hồ và tham quan khám phá lòng hồ, đồng thời các loại hình du lịch khác như cắm trại, treckking khám phá rừng nguyên sinh… Thứ 3 là giá trị về văn hoá cộng đồng, huyện Đình Lập có rất nhiều bản cộng đồng của người Tày, Nùng, Dao… cùng sinh sống mà vẫn giữ được những nét đặc trưng văn hoá của họ. Như thế chúng ta hoàn toàn có thể khai thác, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và gắn kết các tour du lịch, tạo thành những sản phẩm hấp dẫn du khách trong thời gian tới”. |
Chị Nguyễn Thu Hồng, du khách đến từ Hà Nội vừa tham gia chuyến trải nghiệm hái chè và sản xuất chè trên địa bàn huyện Đình Lập vào cuối tháng 5/2024 hào hứng: “Tôi rất bất ngờ khi huyện Đình Lập lại có những đồi chè đẹp và hùng vĩ đến vậy, đặc biệt hơn tôi còn được đi thuyền trên sông để ngắm những đồi chè, đồi thông, vườn vải ven sông với cảm giác vô cùng mới lạ. Chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện hay về văn hoá bản địa và thưởng thức nhiều loại chè ngon trên địa bàn. Tôi nghĩ tôi sẽ còn quay lại đây nhiều lần".
Cảm nhận của chị Hồng cũng là cảm nhận của rất nhiều du khách khi tới trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Đình Lập. Được biết, nhằm phát huy tiềm năng du lịch, từ năm 2022, huyện Đình Lập đã lựa chọn đồi chè tại thôn Hoà An, xã Thái Bình và đồi chè Tre Hoá, thị trấn Nông trường Thái Bình đưa vào thí điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Nằm trong hành trình trải nghiệm những đồi chè đẹp, du khách còn được tham quan, ngắm cảnh đẹp hùng vĩ của những nương chè, vườn vải, đồi thông bát ngát với hành trình tham quan gần 1 giờ đồng hồ tại khu vực hồ Pác Làng, thị trấn Nông Trường Thái Bình. Ngoài ra, du khách còn được tham quan quy trình sản xuất chè tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần chè Thái Bình - Lạng Sơn.
Mặc dù đưa vào thí điểm chưa lâu nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay các đồi chè đã thu hút gần 5.000 lượt khách. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 30.600 lượt, tăng 114,4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt trên 1,3 tỷ đồng. Những con số này bước đầu đã khẳng định sự hấp dẫn của du lịch huyện Đình Lập.
Là một trong những đơn vị được huyện lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chè Thái Bình - Lạng Sơn, huyện Đình Lập cho biết: Đối với sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn chè tôi thấy là cách làm rất hay để tạo đà phát triển cho địa phương, vì vậy công ty đã thực hiện nhiều đổi mới như thực hiện cải tạo vườn chè xanh, sạch, đẹp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng khu trải nghiệm để khách du lịch có thể đến để tham quan, hái chè, tham gia trải nghiệm trực tiếp vào quá trình sản xuất chè.
Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin (VHTT) huyện Đình Lập cho biết: Nhận thức rõ tiềm năng phát triển du lịch của huyện, thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa; du lịch biên giới, du lịch nông thôn… Đặc biệt, từ năm 2022, chúng tôi đã tham mưu xây dựng điểm du lịch nông thôn tại vùng đồi chè thôn Hoà An, xã Thái Bình và với tour du lịch này chúng tôi kết nối các vùng chè ở khu vực xã Thái Bình và thị trấn Nông Trường. Đồng thời hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái trải nghiệm hồ Pắc Làng (thị trấn Nông Trường Thái Bình, xã Thái Bình) kết nối với các hoạt động sản xuất, chế biến, thưởng thức các sản phẩm chè tại thị trấn Nông trường Thái Bình và khám phá các đồi chè đẹp trên địa bàn.
Tập trung thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch
“Huyện Đình Lập có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch xanh với những đập nước trong xanh, không khí mát mẻ, đặc biệt, huyện có vùng trồng chè nguyên liệu tập chung tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và xã Thái Bình… rất thích hợp để triển khai xây dựng mô hình du lịch nông thôn, do đó đơn vị chúng tôi đã tham mưu để tổ chức chương trình khảo sát và hội nghị để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Qua chuyến khảo sát, các chuyên gia, các công ty du lịch đã có những nhận xét, đánh giá và trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn để chính quyền địa phương bổ sung, hoàn thiện những tiêu chí để xây dựng thành điểm du lịch nông thôn của tỉnh Lạng Sơn. Trước mắt với chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, chúng tôi giữ vai trò kết nối và sau đó sẽ có định hướng, hỗ trợ cho địa phương những khoá tập huấn hoặc đi tham quan, học tập kinh nghiệm... để địa phương có thể xây dựng những kế hoạch triển khai hiệu quả, đáp ứng tiêu chí công nhận thành điểm du lịch nông thôn của Đình Lập”. |
Bà Tô Thị Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Đình Lập giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện tốt các giải pháp như: chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để hoàn thiện chủ trương đối với các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 tại 2 thị trấn trên địa bàn huyện là khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Khuổi In và hồ Pắc Làng; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển du lịch, xây dựng tuyến phố đi bộ trên địa bàn thị trấn huyện Đình Lập; khôi phục các di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa như: khôi phục Đình Háng Slấp (thị trấn Đình Lập), khánh thành di tích đèo Khau Háy (xã Kiên Mộc)… Bên cạnh đó chúng tôi cũng xác định rõ các biện pháp để khai thác, phát triển du lịch như: phối hợp khảo sát, phát triển thị trường; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch; tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như: gắn pano, áp phích tuyên truyền; tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm tại các sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, Phòng VHTT huyện đã tham gia trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng của địa phương như: chè Bát Tiên, chè Ô Long, ba kích, vịt cổ xanh, bún ngô, mật ong rừng… tại các sự kiện văn hóa do UBND tỉnh tổ chức. Các gian hàng của huyện đã thu hút đông đảo đại biểu và khách tham quan, thưởng thức một số đặc sản như: uống trà, hoa quả…
Mặt khác, ngành chức năng tiếp tục hoàn thành hồ sơ cấp huyện, trình tỉnh xem xét quyết định, đánh giá các sản phẩm OCOP, đến nay toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP (tăng 6 sản phẩm so với năm 2021). Qua đó, làm phong phú thêm cho ẩm thực, sản phẩm du lịch Xứ Lạng.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội và phục hồi, bảo tồn văn hóa. Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp. |
Đặc biệt, tháng 5/2024, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức chuyến khảo sát kết nối, phát triển tour, tuyến du lịch trên địa bàn, đồng thời ký kết hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, doanh nghiệp lữ hành và chủ thể cung ứng dịch vụ nông thôn tại huyện cũng đã ký kết hợp tác "Khai thác sản phẩm nông nghiệp nông thôn".
Với những thoả thuận hợp tác du lịch đã được ký kết, cùng việc xác định rõ lộ trình phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Đình Lập, trong tương lai không xa, bản đồ du lịch Lạng Sơn nói chung và huyện Đình Lập nói riêng sẽ có thêm những điểm đến mới, lý thú để du khách tham quan, trải nghiệm.
Ý kiến ()