Đình Lập: Phát triển chăn nuôi bò bán chăn thả
– Tận dụng lợi thế các bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào… thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đình Lập đã tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi bò. Qua đó, từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập.
Bà Hoàng Thị Niên, thôn Còn Quan, xã Đình Lập cho biết: Từ năm 2012, tôi đầu tư phát triển mô hình nuôi bò bán chăn thả. Cùng đó, tôi trồng 2 ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò. Thời gian cao điểm nhất tôi nuôi từ 30 đến 40 con. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 2 lứa, mang lại thu nhập cho gia đình từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.
Tương tự, ông Lương Văn Minh, thôn Bản Háng, xã Bắc Xa cũng là một trong những hộ có thu nhập cao từ chăn nuôi bò. Ông Minh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, gia đình tôi nuôi từ 10 đến 15 con bò. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn ở xã cũng như được cán bộ thú y tuyên truyền, tôi rất chú trọng tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Từ đó, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi bò.
Người dân xã Đình Lập chăm sóc đàn bò
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập, hiện nay, toàn huyện có hơn 100 hộ chăn nuôi bò với tổng đàn 2.500 con. Trong đó, nhiều hộ nuôi từ 10 đến 20 con, mang lại thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ/năm. Các hộ nuôi tập trung ở một số xã như: Cường Lợi, Đình Lập, Kiên Mộc, Bắc Xa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, người dân huyện Đình Lập chủ yếu chăn nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ. Từ năm 2015 trở lại đây, bà con các xã trên địa bàn huyện đã chuyển từ chăn thả sang hình thức bán chăn thả với quy mô lớn hơn.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện Đình Lập thường xuyên phối hợp với UBND các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con (trung bình từ 15 đến 20 lớp/năm). Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng cho đàn bò. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, với sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, người dân đã tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng cho 1.427 con bò và tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho 540 con.
Trong thời điểm dịch bệnh viêm da nổi cục đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo vệ sinh chuồng trại, cơ quan chuyên môn huyện đã cấp phát thuốc sát trùng và khuyến cáo người dân phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã cấp gần 380 lít thuốc sát trùng để hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Qua đó, giúp đàn bò phát triển ổn định, hạn chế tối đa dịch bệnh.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về các nội dung phòng, chống dịch. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò nói chung và đàn vật nuôi nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện định hướng bà con phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, thực hiện quy hoạch thành vùng nuôi khép kín. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò bán chăn thả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trở thành hướng phát triển kinh tế triển vọng trên địa bàn huyện Đình Lập. Hiện nay, thu nhập bình quân của huyện đạt 36,7 triệu đồng/người/năm, tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,26% (năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 41,94%).
NGUYỄN PHÚC
Ý kiến ()