Đình Lập: Phát triển các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản
– Đình Lập là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn trong tỉnh với diện tích đất có rừng khoảng 91.000 ha, trong đó, diện tích rừng sản xuất trên 60.000 ha. Sản lượng khai thác gỗ hằng năm lớn. Tận dụng lợi thế đó, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đình Lập đã phát triển các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Các cơ sở này đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Bà Lương Thị Hải, thôn Pò Tấu, chủ cơ sở sản xuất gỗ có quy mô khá lớn tại xã Đình Lập cho biết: Nhận thấy tiềm năng gỗ nguyên liệu phong phú trên địa bàn, năm 2019, gia đình tôi quyết định đầu tư mở xưởng sản xuất gỗ, mua 2 dàn máy móc, thiết bị để sản xuất sản phẩm ván bóc. Hiện nay, xưởng gỗ của gia đình đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 40 lao động thời vụ và 14 lao động cố định với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, tuỳ tính chất công việc.
Công nhân xưởng gỗ bóc xã Đình Lập, huyện Đình Lập thu gom sản phẩm
Không chỉ xưởng sản xuất gỗ của gia đình bà Hải, hiện nay, việc phát triển các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản được nhiều hộ dân quan tâm và mở rộng khắp các xã trên địa bàn như: Bính Xá, Lâm Ca, Bắc Xa, Châu Sơn… Ví như tại xã Đình Lập, hiện nay có 6 cơ sở, xã Bính Xá có 4 cơ sở. Các cơ sở này chế biến các sản phẩm như: ván bóc, ván xẻ, ván ép, dăm mảnh, gỗ dán, gỗ lạng…, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong và ngoài tỉnh.
Để các cơ sở kinh doanh, chế biến này phát triển, UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai, tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi… để các công ty, hộ dân xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, hằng năm, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn trên địa bàn tổ chức kiểm tra, thẩm định các cơ sở đủ điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở về đảm bảo quy định pháp luật và an toàn lao động trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Qua đó, góp phần để các cơ sở hoạt động đúng mục đích và có hiệu quả.
Ông Nguyễn Công Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn khuyến công địa phương, UBND huyện đã hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến gỗ và sản xuất đồ dân dụng cho 4 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản với tổng kinh phí 545 triệu đồng. Từ việc hỗ trợ đó, góp phần cho các cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị.
Với sự chủ động đầu tư của người dân và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, số cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện có xu hướng tăng về số lượng. Ngay như trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện có 17 cơ sở, đến nay, toàn huyện đã có 22 cơ sở. Trong đó, có 1 hợp tác xã (HTX) và 3 công ty quy mô chế biến lớn, gồm: Công ty TNHH MTV Hiếu Thủy; Công ty TNHH MTV Hưng Viên; Chi nhánh Công ty TNHH Đồng Lý; HTX Thiên Phú. Những cơ sở này đã trang bị, đầu tư máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, để thúc đẩy doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, UBND huyện đã tiếp nhận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Công ty TNHH MTV Hiếu Thuỷ vay vốn ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 để đầu tư máy móc thiết bị mở rộng sản xuất với kinh phí 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hiếu Thuỷ, thôn Bản Hả, xã Bắc Lãng cho biết: Công ty được thành lập từ năm 2014, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Năm 2020, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, tôi đã làm dự án vay vốn theo Nghị Quyết 08 và được giải ngân 5 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Từ nguồn vốn đó, công ty có điều điều kiện đầu tư trang thiết bị máy móc cỡ lớn để hoạt động sản xuất. Hiện nay, công ty có 6 máy móc sản xuất gỗ bóc với công suất trung bình khoảng 300 tấn/ngày. Từ cuối năm 2020 đến nay, doanh thu bình quân của công ty đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng.
Nhờ phát triển các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện sản xuất được 20 nghìn mét khối ván bóc (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2020), dăm gỗ các loại đạt khoảng 22 nghìn tấn (tăng 1,85% so với cùng kỳ năm 2020)… giá trị đạt trên 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bình quân mỗi cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản giải quyết việc làm cho từ 40 lao động trở lên.
Việc phát triển các cơ sở này không chỉ góp phần quan trọng nâng cao giá trị gỗ nguyên liệu, tạo bước phát triển lâm nghiệp bền vững mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương
Ý kiến ()