Thứ 7, 23/11/2024 07:46 [(GMT +7)]
Đình Lập nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm
Thứ 5, 01/12/2011 | 09:41:00 [(GMT +7)] A A
Bên cạnh việc thực hiện bình đẳng trong lao động, tạo việc làm cho phụ nữ, huyện Đình Lập còn nỗ lực thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nâng cao đời sống, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; quy hoạch cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã, thôn bản… Những kết quả trên đã cho thấy Luật Bình đẳng giới đã từng bước đi vào cuộc sống, thực sự là điểm tựa vững chắc của phụ nữ trên con đường thực hiện sự bình đẳng với nam giới hiện nay.
LSO-Bình đẳng giới hiện nay được xem là một chiến lược quan trọng và cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ khẳng định vị thế của mình trong xã hội ngang bằng với nam giới. Chính vì vậy, Luật Bình đẳng giới đã được ban hành có hiệu thực thi hành từ ngày 1/7/2007 và đi vào cuộc sống của nhân dân, trở thành điểm tựa vững chắc về mặt pháp lý đảm bảo cho phụ nữ nỗ lực vươn lên, phát huy và khẳng định vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực.
Sinh hoạt của các thành viên CLB bình đẳng giới thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập |
Tại Lạng Sơn, vấn đề bình đẳng giới được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng và chỉ đạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Góp phần vào thành công chung ấy có sự nỗ lực không ngừng của huyện Đình Lập – một huyện nghèo của tỉnh nhưng cũng đã quan tâm, chú trọng tới công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) huyện nhà.
Ông Lành Văn Công, Trưởng Phòng LĐTB & XH, Phó Ban thường trực VSTBCPN huyện Đình Lập cho biết: Ban VSTBCPN huyện có 17 người, hàng năm được huyện phân bổ cho hoạt động của Ban là 5 triệu đồng. Kinh phí ít nhưng chúng tôi cũng nỗ lực lồng ghép tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Hiện nay, huyện Đình Lập có 4 Câu lạc bộ “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình” ở các xã Đình Lập, Bắc Lãng, Cường Lợi và thị trấn Đình Lập, có 150 thành viên tham gia.
Bên cạnh việc duy trì hoạt động các câu lạc bộ, chúng tôi nỗ lực thực hiện bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực lao động, tạo việc làm cho phụ nữ được đặc biệt quan tâm và đạt được kết quả cao. Từ đầu năm 2011 đến nay, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Phòng LĐTB & XH huyện đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án phi chính phủ triển khai xét duyệt và tín chấp hỗ trợ cho 341 hộ vay vốn là phụ nữ với tổng số vốn 9.280 triệu đồng. Vốn vay phát triển kinh tế hộ đến 30/10/2011 xét và làm thủ tục cho 509 hộ vay, với tổng số vốn vay trên 13 tỷ đồng.
Tính lũy kế đến hết 30/10/2011 đã xét cho 2.275 lượt hộ vay, với tổng số vốn vay 46.514 triệu đồng. Từ các nguồn vốn vay trên, nhiều chị em đã sử dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình, đưa gia đình thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá. Điển hình như: Chị Tô Thị Dần, thôn Bản Chuôn, xã Cường Lợi; Vũ Thị Hằng thôn Bình Ca, xã Lâm Ca; Mai Thị Thủy, khu 1 thị trấn Đình Lập; Nguyễn Thị Liên khu 6 thị trấn Nông trường… Các chị đều là những hội viên điển hình về chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ giỏi. Thu nhập bình quân 1 năm từ 60 đến trên 100 triệu đồng đối với các chị kinh doanh dịch vụ buôn bán; từ 40 đến 60 triệu đồng 1 năm đối với các chị chăn nuôi, trồng trọt.
Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức 3 lớp tập huấn cho 145 phụ nữ về nâng cao kiến thức chăm sóc lúa đông xuân, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, hoa màu, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn; 133 lớp cho 4.287 lượt người tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật về xử lý hạt giống lúa nước khi gieo mạ, sản xuất mạ khay, kỹ thuật gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay, kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, ngô… Trung tâm dạy nghề của huyện mở được 3 lớp dạy nghề về phương pháp trồng nấm ăn và phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông – lâm Đông Bắc mở 1 lớp về kỹ thuật nuôi gà giống mới, với tổng số 132 học viên là lao động nông thôn tham gia, trong đó có 76 học viên nữ, chiếm 57,57%.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hợp đồng tín chấp với Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện 81 tấn phân bón các loại cho cơ sở xã vay theo hình thức trả chậm, để chị em đầu tư vào sản xuất kịp thời vụ và đạt hiệu quả. Ngoài ra còn thực hiện một số chương trình khác ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế góp phần thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh việc thực hiện bình đẳng trong lao động, tạo việc làm cho phụ nữ, huyện Đình Lập còn nỗ lực thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nâng cao đời sống, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; quy hoạch cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã, thôn bản… Những kết quả trên đã cho thấy Luật Bình đẳng giới đã từng bước đi vào cuộc sống, thực sự là điểm tựa vững chắc của phụ nữ trên con đường thực hiện sự bình đẳng với nam giới hiện nay.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()