Đình Lập: Nhân rộng mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng
– Những năm qua, huyện Đình Lập đã chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng. Qua đó, góp phần chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Qua nghiên cứu và khảo sát tình hình thực tế, nhận thấy diện tích đất dưới tán rừng có thể chăn nuôi để phát triển kinh tế, năm 2020, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đình Lập triển khai mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng tại xã Cường Lợi với 2 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. Theo đó, phòng đã hỗ trợ giống gà Tiên Yên, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú ý… Đồng thời phối hợp với các đơn vị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ các loại bệnh trên gia cầm cho người dân tại địa bàn xã.
Người dân xã Cường Lợi, huyện Đình Lập chăm sóc đàn gà
Bà Bế Thị Thu Hiền, thôn Đồng Nhất, xã Cường Lợi – hộ tham gia mô hình cho biết: Gia đình tôi có khoảng 20 ha đất trồng thông, trong đó diện tích để chăn thả rộng hơn 2 ha. Năm 2020, được sự tuyên truyền của cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, tôi đã đầu tư xây dựng 2 chuồng trại chăn nuôi gà Tiên Yên dưới tán rừng thông. Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi. Nhờ đó, đàn gà phát triển ổn định, sau 5 – 7 tháng chăm sóc, gà được xuất bán. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 3 – 4 lứa gà, mỗi lứa từ 2 – 3 nghìn con, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả của mô hình trên, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân mở rộng mô hình và phối hợp với các đơn vị tập huấn 2 lớp/năm cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã có 10 gia đình học tập, thực hiện mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng. Bà Mai Thị Chiên, Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Hiện, mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong việc khai thác, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ khuyến khích bà con mở rộng mô hình, nghiên cứu các hình thức quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Để hướng tới mục tiêu tận dụng lợi thế địa phương phát triển kinh tế bền vững, sau khi thực hiện mô hình điểm tại xã Cường Lợi, Phòng NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới, phòng đã hỗ trợ mở rộng mô hình tại các xã: Châu Sơn, Thái Bình, Bắc Lãng với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện còn phối hợp với các đơn vị tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân tại các xã trên địa bàn. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 10 lớp tập huấn, giúp bà con nông dân trang bị kiến thức, kỹ năng trong chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.
Nhờ đó đến nay, mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng đã phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ mô hình tại xã Cường Lợi, đến nay, toàn huyện đã nhân rộng lên hơn 30 hộ tại các xã: Đình Lập, Châu Sơn, Bắc Lãng với tổng đàn trên 20.000 con, đem lại thu nhập 100 – 300 triệu đồng/hộ/năm (mô hình quy mô trên 1.000 con/lứa/năm).
Thời gian tới, chính quyền, ngành chức năng huyện tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng mô hình. Đặc biệt, Phòng NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà VietGAP cho người dân, mục tiêu đến năm 2023, gà Đình Lập được chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
“Sau thời gian triển khai thực hiện, mô hình có nhiều ưu điểm: gà được chăn nuôi tách biệt trong đồi rừng, sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là ngô và chất dinh dưỡng từ thiên nhiên nên thịt gà thơm, săn chắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, mô hình còn giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng đồi rừng. Để sản phẩm có thương hiệu và thị trường tiêu thụ rộng, năm 2021, huyện đã xây dựng sản phẩm gà Đình Lập đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện |
Ý kiến ()