Đình Lập: Cây chè chết, người trồng lao đao
- Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, một số diện tích trồng chè của người dân trên địa bàn huyện Đình Lập bị chết hoặc nhiều cành trên cây bị héo khô. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng tới cây chè.
Những ngày giữa tháng 2/2025, chúng tôi có mặt ở thị trấn Nông trường Thái Bình - nơi được coi là “thủ phủ” cây chè của huyện Đình Lập. Thay vì những màu xanh ngút ngàn như trước, trên những đồi chè đã xuất hiện màu nâu của thân cây chè bị chết khô.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè của gia đình, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Trứ, khu Hòa Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình buồn bã: Gia đình tôi bắt đầu trồng chè từ những năm 2000. Hiện nhà tôi trồng được hơn 2 ha. Những năm gần đây, cây chè đem lại cho gia đình thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên mấy tháng gần đây, hơn 1 ha chè của gia đình đột nhiên héo khô từng cành. Đây là năm đầu tiên cây chè xuất hiện tình trạng chết như vậy, nguyên nhân ban đầu được xác định là khô hạn kéo dài, cây chè không đủ nước nên xuất hiện tình trạng đó. Hiện nay, một mặt gia đình cũng chỉ biết trông ngóng vào thời tiết để cố giữ phần diện tích chè còn lại, mặt khác cũng chuẩn bị cây giống, vật tư cần thiết để trồng mới vào phần diện tích chè đã chết không thể khắc phục.
Cùng với gia đình ông Trứ, nhiều hộ trồng chè trên địa bàn thị trấn Nông trường Thái Bình cũng như các xã trồng chè khác trên địa bàn huyện Đình Lập cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Chúng tôi có mặt ở thôn Hòa An, xã Thái Bình - nơi được đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái trải nghiệm. Dọc con đường vào đồi chè tại đây, không khó để bắt gặp những hình ảnh cây chè bị chết khô.

Dẫn chúng tôi đến đồi chè của gia đình, ông Hoàng Xuân Trìu, thôn Hòa An, xã Thái Bình chia sẻ: Gia đình tôi có khoảng 3 ha chè, trong đó có những diện tích được trồng từ năm 2003. Hiện nay có khoảng 0,5 ha cây chè bị chết, trong đó có cả cây chết hoàn toàn, có cây vẫn còn một vài cành lá xanh nhưng cũng đang có dấu hiệu héo úa. Cây chè được trồng ở những điểm đồi cao, không chủ động được nước tưới nên gần như sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên. Từ tháng 9/2024 đến nay thời tiết khô hạn kéo dài, gần đây xuất hiện một vài cơn mưa nhỏ nhưng lượng mưa không đáng kể, nước chưa đủ thấm gốc nên hiện gia đình cũng rất lo lắng, dự kiến sản lượng chè của gia đình năm nay giảm 50% so với mọi năm.
Cùng với 2 hộ dân kể trên, nhiều hộ trồng chè khác trên địa bàn huyện Đình Lập cũng gặp phải tình trạng tương tự. Hiện trên địa bàn huyện Đình Lập có khoảng 190 ha chè tập trung ở các xã Thái Bình, Lâm Ca và thị trấn Nông trường Thái Bình. Theo thống kê sơ bộ từ các xã, thị trấn vùng trồng chè, diện tích cây chè bị chết (gồm cả cây chết hoàn toàn và cây chết từng phần) khoảng hơn 30 ha. Trước tình hình cây chè như vậy, các cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, đưa ra giải pháp để khắc phục bước đầu.
Bà Mông Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đình Lập cho biết: Qua kết quả kiểm tra định kỳ từ ngày 6/11 đến ngày 12/11/2024, trên cây chè tại xã Thái Bình xuất hiện bệnh khô cành. Bệnh khô cành gây hại làm giảm sản lượng chè. Khi cây chè bị hại nặng (tất cả các cành) cây có thể bị chết. Trước tình trạng đó, trung tâm đã đề nghị UBND các xã Thái Bình, Lâm Ca, thị trấn Nông trường Thái Bình chỉ đạo cán bộ chuyên môn, trưởng thôn tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thường xuyên kiểm tra nương chè để phát hiện sớm và tiến hành phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài dẫn tới bệnh khô cành ở cây chè phát triển mạnh, diện tích bị bệnh ngày một tăng.
Bên cạnh các biện pháp phòng trừ, hiện nay Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn nắm bắt thiệt hại. Từ đó phối hợp thực hiện các bước hỗ trợ theo quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật...
Cùng với đó, người trồng chè cũng cần chủ động triển khai các biện pháp khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Về lâu dài, người trồng chè trên địa bàn huyện Đình Lập cần chủ động triển khai các giải pháp để chủ động nguồn nước tưới cũng như đổi mới cách thức tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch... Qua đó từng bước hướng tới vùng sản xuất bền vững.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: khi thấy bệnh khô cành xuất hiện trên nương chè, người trồng chè dùng dụng cụ cắt hết những cành bị bệnh từ phía dưới các vết loét. Nếu nương chè bị nặng, tiến hành đốn toàn bộ diện tích (vết đốn phía dưới các vết loét), thu dọn toàn bộ cành cắt hoặc đốn đem đốt không cho nguồn bệnh phát triển. Chăm sóc cho nương chè hồi phục trở lại như bón giảm lượng đạm, tăng lân vi sinh, siêu lân và kali cho chè, bón thêm chế phẩm trichoderma. Làm cỏ, không sử dụng thuốc trừ cỏ cháy trên nương chè. Hạn chế hoặc không sử dụng phương pháp hái chè bằng máy và tránh hái tận thu để chè có thời gian tái tạo, hồi phục. |

Ý kiến ()