Đình Lập: Nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất
(LSO) – Tính đến hết năm 2018, huyện Đình Lập có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm các xã: Đình Lập, Cường Lợi, Bính Xá và Bắc Xa và xã Kiên Mộc là xã được tỉnh chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020.
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM (được đầu tư vào các xã đã đạt chuẩn NTM và các xã được chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM) cùng với nguồn lực đối ứng của các hộ dân, các hợp tác xã, nhiều mô hình phát triển sản xuất được xây dựng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Câu chuyện ở xã Đình Lập, xã đầu tiên đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là một ví dụ.
Bà Sầm Thị Vui, Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập cho biết: Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, hằng năm, xã đều lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. Ví dụ như thời điểm năm 2015, xã hỗ trợ cho các hộ gia đình đăng ký thoát nghèo 1 con bò giống. Bò được hỗ trợ, chỉ sau một thời gian ngắn đẻ, đến nay có hộ bò đã đẻ được 3 – 4 con. Việc hỗ trợ như vậy không chỉ tạo động lực về mặt tinh thần để khuyến khích các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo mà còn tạo thêm thu nhập cụ thể nhất cho người dân.
Mô hình nuôi bò bán chăn thả của gia đình anh Lương Văn Thành, thôn Pò Tấu, xã Đình Lập đem lại hiệu quả kinh tế ổn định nhiều năm nay
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (từ gần 50% năm 2014 xuống còn hơn 10% năm 2015), lúc nào xã cũng tính đến việc hỗ trợ các hộ dân để giúp các hộ vươn lên hộ khá, hộ giàu, tạo ra các mô hình điểm để nhân rộng trong xã. Từ năm 2016 đến nay, cũng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã đã tăng lượng hỗ trợ cho từng hộ, trong đó lựa chọn hỗ trợ cho những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi, chuồng trại có sẵn. Qua đó, giúp các hộ dân có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Anh Lương Văn Thành, thôn Pò Tấu, xã Đình Lập cho biết: Năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ 3 con bò cái. Không chăn thả như cách nuôi truyền thống, gia đình tôi lựa chọn phương pháp bán chăn thả để đảm bảo thời gian sinh trưởng, phát triển của đàn bò được tốt nhất. Đến nay, tổng đàn bò của gia đình có 12 con (cả bò được hỗ trợ và bò của gia đình có trước). Mỗi năm, gia đình xuất bán 5 con bê với giá 10 triệu đồng/con. Thu nhập khá, ổn định giúp gia đình có vốn để mở rộng trồng rừng, nuôi dê… Qua đó, mô hình của gia đình anh Thành trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn.
Tương tự như xã Đình Lập, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, các xã NTM khác trên địa bàn huyện đã xây dựng được các mô hình sản xuất mới và bước đầu đem lại kết quả tích cực. Ông Nông Minh Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, huyện tập trung chỉ đạo các xã lựa chọn các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ… Đồng thời, UBND huyện phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra thực hiện các dự án, mô hình sản xuất.
Giai đoạn 2016 – 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, trên địa bàn huyện đã hỗ trợ 18 mô hình sản xuất, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 4,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp đối ứng gần 4,5 tỷ đồng với trên 200 hộ dân và các hợp tác xã tham gia. Trong đó, một số mô hình phát triển hiệu quả, ổn định như: mô hình nuôi bò bán chăn thả ở các xã: Đình Lập, Cường Lợi, Kiên Mộc; mô hình trồng ba kích tím tại xã Cường Lợi; mô hình trồng rau an toàn ở các xã: Đình Lập, Cường Lợi; mô hình chăn nuôi dê ở xã Bính Xá…
Năm 2019, trên địa bàn huyện có 5 xã được hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM với số tiền 1,75 tỷ đồng và hiện nay các xã đang nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các mô hình.
Với sự hỗ trợ nguồn lực của nhà nước và sự chung tay, góp sức của nhân dân, các mô hình sản xuất mới, phù hợp thực tiễn đang xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn huyện Đình Lập. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo chuyển biến rõ nét diện mạo NTM nơi đây.
TÂN AN
Ý kiến ()