Đình Lập: Khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, phòng dịch lợn tai xanh
(LSO) – Hiện nay, trên địa bàn huyện Đình Lập đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, cùng với đó, tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang (giáp ranh với huyện Đình Lập) xảy ra dịch bệnh lợn tai xanh. Vì vậy, huyện đã và đang tập trung các giải pháp dập ổ dịch tả lợn châu Phi và ngăn chặn dịch lợn tai xanh xâm nhiễm.
Ngày 13/5/2019, ngay sau khi mẫu phẩm trên đàn lợn tại thôn Nà Loỏng, xã Châu Sơn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng và người dân đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh. Ông Lý Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết: Xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tiêu hủy 15 con lợn, của 4 hộ gia đình tại thôn Nà Loỏng và thôn Nà Lác. Cùng với đó, tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại 7/7 thôn, trong đó 2 thôn có lợn tiêu hủy tổ chức phun 1 lần/ngày; thành lập tổ tuần tra để kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ vùng dịch đi ra, để tránh lây lan dịch bệnh.
Thú y viên xã Châu Sơn phun thuốc tiêu độc khử trùng trên địa bàn xã
Hiện nay, huyện Đình Lập vừa phải dập dịch, tránh lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, vừa phải tập trung phòng bệnh tai xanh ở lợn (xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang từ cuối tháng 4/2019 đến nay) xâm nhập vào địa bàn. Bởi, huyện Đình Lập có các xã: Lâm Ca, Thái Bình và thị trấn Nông trường Thái Bình tiếp giáp với huyện Sơn Động, nguy cơ xâm nhiễm rất cao.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Châu Sơn lây lan rộng, trung tâm phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; kiểm tra, kiểm soát không để lợn và các sản phẩm từ lợn vận chuyển ra từ vùng dịch. Song song với đó, để chủ động phòng tránh bệnh lợn tai xanh, trung tâm cử cán bộ, nhân viên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an huyện, dân quân xã, công an xã kiểm dịch chặt chẽ đối với lợn và các sản phẩm từ lợn tại chốt kiểm dịch thuộc xã Bắc Lãng, nơi tiếp giáp với huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) và chốt kiểm dịch tại xã Lâm Ca, tiếp giáp với huyện Sơn Động (Bắc Giang). Đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các chợ; tuyên truyền người dân chủ động phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột khu vực chuồng nuôi và nhất là thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Để phòng chống bệnh dịch hiệu quả, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn chủ động, tăng cường các biện pháp. Theo đó, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng huyện tổ chức tuyên truyền được trên 160 cuộc, phát trên 3.000 tờ rơi về các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; ký cam kết tuân thủ pháp luật thú y về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ với gần 1.000 hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc; cấp phát trên 300 lít thuốc phun tiêu độc khử trùng cho các xã, chốt kiểm dịch. Ngoài ra, các chốt kiểm dịch kiểm soát trên 1.700 phương tiện, phát hiện 3 phương tiện vận chuyển lợn không có giấy phép hợp lệ …
Bà Mông Thị Loan, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo huyện về phòng, chống dịch bệnh động vật cho biết: Để khống chế, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, dập dịch. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền người dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh, vận chuyển lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tại các chốt kiểm dịch, các lực lượng trực 24/24 giờ, kiểm tra, phun tiêu độc khử trùng đối với tất cả các phương tiện đi từ Quảng Ninh và Bắc Giang vào địa bàn…
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()