Đình Lập: Khó từ hạ tầng
LSO-Đình Lập huyện có diện tích tự nhiên gần 1.200km2, dân số khoảng 2,8 vạn người sinh sống rải rác tại 139 thôn, khu phố thuộc 10 xã và 2 thị trấn.
Mặc dù có lợi thế về đất đai cho phát triển lâm nghiệp nhưng Đình Lập lại là huyện có hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng thuộc vào diện yếu kém nhất nhì của tỉnh Lạng Sơn. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã có nhiều cố gắng trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vẫn chưa được cải thiện. Đến nay, toàn huyện còn 3 xã chưa đi lại được 4 mùa, hệ thống công trình thủy lợi mới chỉ cung cấp nước tưới cho khoảng 40% diện tích gieo trồng hàng năm và còn rất nhiều thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, cơ sở trường lớp còn nhiều thiếu thốn.
Đường giao thông lầy lội ở xã Đình Lập, huyện Đình Lập |
Với xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cộng với hệ thống giao thông chậm phát triển đang là những trở lực đối với sự phát triển của huyện. Hiện có tới 70% các tuyến đường đến các xã của huyện Đình Lập xuống cấp nghiêm trọng kể cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Quốc lộ 31 với chiều dài hơn 60km chạy qua địa bàn là một điển hình, là tuyến quốc lộ nhưng từ thị trấn Đình Lập đi đến trung tâm xã biên giới Bính Xá thuộc phía bắc của huyện hay đi đến thị trấn Nông trường Thái Bình thuộc khu vực phía nam cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Một số xã vùng sâu như Lâm Ca, Đồng Thắng, Cường Lợi thường xuyên bị cô lập khi vào mùa mưa do điều kiện giao thông đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương chính sách của đảng và Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đình Lập đã được hưởng những khoản đầu tư nhất định như chương trình 134, 135, 120, người dân đã được hưởng lợi.
Tuy nhiên, kinh phí từ các khoản đầu tư này còn rất thấp dẫn đến hiệu quả từ những chương trình này còn hạn chế. Chương trình 135 là chương trình đầu tư lớn nhất cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đình Lập, từ năm 2008 đến hết 2013, toàn huyện được trung ương hỗ trợ khoảng hơn 90 tỷ đồng vốn 135, trong đó vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỉ đạt khoảng trên 70 tỷ đồng. Hiện huyện đang kiến nghị với tỉnh về đầu tư xây dựng tuyến đường 247 đi các xã Đồng Thắng, Lâm Ca, Cường Lợi với tổng chiều dài hơn 30km, theo các chuyên gia về lĩnh vực đầu tư xây dựng, với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chương trình 135 mà Đình Lập được hỗ trợ từ năm 2008 đến hết 2013 thì chỉ đủ làm công tác chuẩn bị đầu tư và đáp ứng một phần kinh phí cho chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính từ nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông chậm phát triển, huyện Đình Lập vẫn còn thiếu tới 232 phòng học, 309 phòng chức năng thuộc ngành giáo dục và còn tới 27 thôn chưa có điện lưới quốc gia… Việc huy động nguồn lực từ nhân dân để phát triển kết cấu hạ tầng theo chương trình nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn. Trong nhóm tiêu chí về kết cấu hạ tầng, chỉ có chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm là đạt những kết quả nhất định. Từ năm 2008 đến hết 2013, bình quân mỗi năm huyện bê tông được khoảng 14 km đường trong đó người dân đóng góp công, tiền mặt được khoảng 7,4 tỷ đồng để thực hiện chương trình.
Qua theo dõi tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện Đình Lập trong những năm qua cho thấy huyện hoàn toàn có thể huy động nhiều nguồn lực hơn nữa từ trong dân để bê tông hóa các tuyến đường thôn bản. Ông Nông Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: thực tế điều kiện kinh tế của người dân huyện Đình Lập trong những năm qua được cải thiện khá nhiều do có nguồn thu từ kinh tế lâm nghiệp. Thế nhưng các tuyến đường vào trung tâm các xã quá khó khăn làm cho giá vật liệu xây dựng bị đội quá cao. Điều này khiến cho công tác phát triển giao thông nông thôn tại các thôn bản chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()