Đình Lập: Hiệu quả xã hội hóa trồng rừng
– Những năm gần đây, công tác phát triển rừng trên địa bàn huyện Đình Lập đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, xã hội hóa trồng rừng được triển khai hiệu quả. Qua đó, hình thành một số vùng rừng sản xuất tập trung quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Tận dụng diện tích đất rừng lớn, năm 2005, gia đình anh Lý Ánh Dương, thôn Háng Ý, xã Châu Sơn đã mạnh dạn đầu tư trồng 4 ha keo, năm 2012, diện tích keo cho khai thác giúp gia đình anh có thu nhập trên 300 triệu đồng. Anh Dương cho biết: Nhận thấy rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi khai thác, gia đình tôi vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mở rộng diện tích rừng, đến nay, gia đình tôi đã trồng được 20 ha rừng. Năm 2021, gia đình tôi khai thác 3 ha, thu nhập 250 triệu đồng.
Người dân xã Đình Lập thu hoạch nhựa thông
Không chỉ gia đình anh Dương, đến xã Châu Sơn hôm nay, chung ta đều thấy những cánh rừng keo bạt ngàn phủ kín đất đồi. Hiện nay, tổng diện tích rừng toàn xã là hơn 4.000 ha với độ che phủ đạt 79%, trong đó, chủ yếu là rừng keo và một số ít là thông. Ông Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, cùng với trồng rừng theo chương trình hỗ trợ cây giống của Nhà nước, người dân trên địa bàn xã đã chủ động đầu tư trồng rừng. Bình quân mỗi năm, người dân trồng mới khoảng 150 ha. Như trong năm 2021, toàn xã có 165 ha rừng được trồng từ nguồn vốn xã hội hóa, dự kiến năm 2022 được trên 155 ha.
Không chỉ xã Châu Sơn, phong trào trồng rừng những năm gần đây phát triển mạnh tại tất cả các xã của huyện. Người dân không còn trông chờ vào các dự án hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích rừng. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng, huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để trồng rừng; hằng năm, các cơ quan chuyên môn huyện đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép về phát triển rừng, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề về trồng rừng (trung bình mỗi năm tổ chức được 12 lớp). Cùng với đó, căn cứ vào thế mạnh của từng cơ sở, hằng năm, UBND huyện giao chỉ tiêu trồng rừng cho các xã, thị trấn.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, đến nay, từ nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, toàn huyện đã có 115 dự án vay vốn trồng rừng với số tiền 35 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng mới được trên 1.200 ha rừng, riêng năm 2021 là 1.300 ha. Trong giai đoạn 2017 – 2021, toàn huyện trồng mới được hơn 6.700 ha rừng, trong đó có gần 5.000 ha được trồng bằng nguồn vốn xã hội hóa, nâng tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 76,2%. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng rừng kinh tế như vùng thông tại các xã: Đình Lập, Cường Lợi, Bắc Xa, Bính Xá, Thái Bình, Kiên Mộc… với diện tích 50.000 ha; vùng keo tại các xã: Châu Sơn, Bắc Lãng… với diện tích 12.000 ha.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm qua, công tác xã hội hóa trồng rừng ngày càng được người dân hưởng ứng và phát triển trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần thực hiện chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân chủ động huy động vốn, vay vốn các chương trình để mở rộng diện tích rừng, giúp người dân tăng thu nhập.
Hiệu quả từ phát triển kinh tế rừng đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trong năm 2021 đạt gần 80.000 m3; sản lượng khai thác nhựa thông đạt 17.000 tấn. Giá trị kinh tế từ rừng đem lại bình quân trên 700 tỷ đồng/năm, nhiều hộ trồng rừng có thu nhập trung bình từ 200 đến 500 triệu đồng/năm. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 35,95% (năm 2016) xuống còn 7,54% (năm 2021).
“Những năm gần đây, công tác xã hội hóa trồng rừng trên địa bàn huyện Đình Lập được thực hiện hiệu quả. Điểm nổi bật của Đình Lập là ý thức tự giác của người dân, bằng các nguồn vốn huy động, người dân đã tích cực, chủ động trồng, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Ông Lê Văn Cha, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh |
Ý kiến ()