Đình Lập: Hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công
– Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Đình Lập đã có nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương để đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Hợp tác xã (HTX) Xây dựng Hoàng Duy (khu 3, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập) trước đây thu mua, chế biến gỗ bóc với năng suất thu mua mỗi ngày hơn 30 tấn gỗ, tạo việc làm cho 7 đến 10 lao động. Từ tháng 3/2020, được Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện hướng dẫn, HTX đã làm hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí khuyến công. Theo đó, HTX được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ 250 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương, cùng với số vốn đối ứng hơn 900 triệu đồng, HTX đã đầu tư máy móc gồm: máy bóc vỏ gỗ, băng tải, máy băm dăm.
Nhân viên cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết nước uống đóng bình Minh Quân, khu 2, thị trấn Đình Lập thực hiện công đoạn đóng túi đá để giao cho khách hàng
Ông Vi Văn Đồng, Giám đốc HTX xây dựng Hoàng Duy cho biết: Nhờ đưa máy móc vào sản xuất, năng suất thu mua gỗ của HTX đạt trên 100 tấn/ngày (tăng hơn 70 tấn so với năm 2019); sản xuất hơn 1.200 tấn gỗ băm/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/ người/tháng. Hiện nay, sản phẩm gỗ băm của HTX chủ yếu xuất bán cho các thương lái trong nước để xuất khẩu sang nước ngoài.
Không chỉ có HTX Xây dựng Hoàng Duy, thời gian qua, nhiều cơ sở CNNT, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đình Lập đã đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Điển hình như cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết nước uống đóng bình Minh Quân của chị Hoàng Thị Ngọc Mai, khu 2, thị trấn Đình Lập. Chị Hoàng Thị Ngọc Mai, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Nhận thấy trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất nước đá viên, tháng 3/2021, tôi đã đầu tư 350 triệu đồng, cùng với kinh phí hơn 130 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công để mua máy làm đá công nghiệp. Theo đó, mỗi tháng, cơ sở sản xuất được khoảng 80 tấn đá viên, đem lại doanh thu hơn 80 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đình Lập, thời gian qua, các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện đã có sự phát triển. Hiện toàn huyện có 101 cơ sở CNNT, các cơ sở này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng. Để triển khai hoạt động khuyến công có hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện Đình Lập luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác khuyến công đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Công Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đình Lập cho biết: Hằng năm, phòng đều có công văn hướng dẫn đăng ký hỗ trợ nguồn vốn khuyến công địa phương gửi đến UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương thông qua Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, trên địa bàn huyện Đình Lập đã triển khai được 9 đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với kinh phí hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng. Trung bình cứ 1 đồng vốn khuyến công từ ngân sách Nhà nước thu hút được hơn 4 đồng vốn đầu tư của các cơ sở CNNT.
Việc triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn huyện Đình Lập đã tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, các đề án này đã tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ý kiến ()