Đình Lập: Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở
– Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Đình Lập đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác này. Qua đó, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải viên, hằng năm, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã thực hiện công tác rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải trên địa bàn. Cùng đó, chú trọng lựa chọn hòa giải viên là những người nhiệt tình, am hiểu pháp luật, có kỹ năng thuyết phục vận động, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đồng thời giám sát, theo dõi hoạt động của các hoà giải viên, đề xuất miễn nhiệm với các trường hợp hoà giải viên thiếu nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác. Hiện toàn huyện có 114 tổ hòa giải với 656 hòa giải viên, được bố trí tại 100% thôn, khu phố trên địa bàn huyện.
Người dân xã Cường Lợi, huyện Đình Lập tìm hiểu pháp luật tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã
Các tổ hoà giải luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, kịp thời có mặt tại các vụ việc tranh chấp ở cộng đồng dân cư để giải quyết các mâu thuẫn. Các vụ việc tranh chấp chủ yếu trên lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên vừa vận dụng những quy định của pháp luật, phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận, giải quyết mâu thuẫn. Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Còn Đuống, xã Đình Lập cho biết: Hiện tổ hoà giải của thôn có 5 thành viên. Trong đời sống hằng ngày, không khó tránh khỏi mâu thuẫn trong nhân dân như tranh chấp lối đi chung, thả rông trâu bò ăn lúa… Ban đầu, những vụ việc này rất nhỏ nhặt nhưng nếu như không giải quyết kịp thời thì người dân rất dễ xảy ra xích mích, xô xát, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, mỗi khi nhận được thông tin từ người dân, bất kể ngày, đêm, chúng tôi cố gắng kịp thời có mặt để giải quyết các mâu thuẫn, gặp gỡ riêng, chung, tuyên truyền, vận động nhiều lần để người dân xoá bỏ hiềm khích, giữ gìn đoàn kết xóm làng. Trung bình 1 năm, thôn tôi xảy ra 3 đến 5 vụ việc, tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, với tỷ lệ hòa giải thành công đạt gần 90%.
Bà Sầm Thị Thậm, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đình Lập cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác HGƠCS, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường tuyên truyền về Luật HGƠCS, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã, vai trò chủ động của công chức tư pháp – hộ tịch trong quản lý Nhà nước về công tác HGƠCS, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Cùng đó, hằng năm, phòng chú trọng công tác tập huấn, lồng ghép bồi dưỡng, phối hợp với Sở Tư pháp để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Đơn cử năm 2021, phòng đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật, trong đó có nội dung bồi dưỡng kỹ năng HGƠCS cho gần 200 người dự. Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hoà giải viên kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật mới, được giải đáp thắc mắc, nắm được phạm vi, quy trình HGƠCS.
Nhằm đưa Luật HGƠCS vào cuộc sống, các cấp chính quyền, đoàn thể trong huyện thường xuyên quan tâm tuyên truyền nội dung của Luật HGƠCS với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, lồng ghép trong sinh hoạt thôn, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, tài liệu pháp luật… Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong huyện đã tổ chức được hơn 380 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật tới hơn 22 nghìn lượt người nghe, cấp phát trên 26 nghìn tờ rơi, tài liệu pháp luật, trong đó có nội dung về Luật HGƠCS. Riêng Phòng Tư pháp huyện tổ chức 2 cuộc phổ biến pháp luật về HGƠCS tại xã Bính Xá và Đình Lập cho hơn 200 đại biểu dự.
Chị Vi Thị Hùng, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi cho biết: Qua tham gia các cuộc tuyên truyền pháp luật của xã, của thôn, tôi cũng thêm hiểu biết về ý nghĩa công tác HGƠCS. Tại thôn tôi, các hòa giải viên nhiệt tình, trách nhiệm, trong đó có chị chi hội trưởng phụ nữ cũng là thành viên tổ hòa giải. Nhờ công tác HGƠCS, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, ổn định an ninh, chúng tôi chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia các phong trào hội phụ nữ cũng như các hoạt động của thôn.
Bằng các giải pháp thiết thực, chất lượng, công tác HGƠCS của huyện Đình Lập ngày càng được nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Đình Lập đã hòa giải thành công 189/228 vụ, đạt gần 83%, đạt tỷ lệ hoà giải thành công cao nhất trong các huyện, thành phố trên toàn tỉnh.
Ý kiến ()