Đình Lập đổi thay từ rừng
(LSO) – Hằng năm, thu nhập từ rừng và sản phẩm cây lâm nghiệp chiếm trên 60% tổng thu nhập của toàn huyện Đình Lập. Từ phát triển kinh tế rừng đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (trung bình mỗi năm giảm từ 3,5 – 4%).
Bắc Xa là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, nhờ phát triển rừng, kinh tế của xã ngày một phát triển. Toàn xã hiện có hơn 11 nghìn héc – ta thông. Trung bình mỗi gia đình trồng từ 10 – 20 ha, hộ nhiều trồng khoảng 40 ha. Hiện diện tích rừng thông cho khai thác chiếm khoảng 25%, và mỗi năm, người dân Bắc Xa thu hoạch khoảng 300 tấn nhựa thông. Với giá nhựa tại thời điểm hiện tại là 30 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi hộ trồng thông có thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Người dân xã Bắc Xa thăm rừng
Không chỉ riêng Bắc Xa, mà các xã khác trên địa bàn huyện cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng. Ông Vi Văn Phúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập chia sẻ: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của huyện, trong quy hoạch phát triển rừng, huyện chủ trương phát triển 2 loại cây chính là thông và keo. Đối với vùng thông, huyện quy hoạch trồng tập trung tại các xã: Bắc Xa, Bính Xá, Kiên Mộc, Thái Bình, Đình Lập, thị trấn Đình Lập… Còn vùng keo, huyện quy hoạch trồng tại một số xã như: Bắc Lãng, Châu Sơn…
Được biết, diện tích rừng thông của Đình Lập hiện có gần 49 nghìn héc – ta, còn diện tích rừng keo là gần 11 nghìn héc – ta. Hiện nay có khoảng 15 nghìn héc – ta thông cho khai thác, mỗi năm sản lượng nhựa người dân thu hoạch được trên 7.500 tấn, thu nhập từ 210 – 230 tỷ đồng. Còn đối với gỗ keo và gỗ thông, trung bình mỗi năm khai thác trên 4.600 m3 gỗ tròn (thu nhập trên 8 tỷ đồng) và trên 12 nghìn tấn gỗ băm dăm (thu nhập trên 12 tỷ đồng).
Ông Nông Văn Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đình Lập xác định phát triển kinh tế rừng chính là thế mạnh của huyện. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong đó khẳng định: Phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh, tiếp tục tăng cường công tác trồng rừng, hình thành vùng trồng cây dược liệu và cây trồng chủ lực của huyện tạo vùng nguyên liệu tập trung.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế đồi rừng, huyện xác định phải tiếp tục giữ vững và từng bước phát triển vùng thông và keo, qua đó tạo sản phẩm hàng hóa tập trung. Vì thế, hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về đất đai, cung ứng giống cây trồng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con trồng rừng, đồng thời thường xuyên triển khai thực hiện các dự án trồng rừng.
Nhận thấy lợi ích từ rừng, hiện phong trào trồng rừng ở Đình Lập đang phát triển mạnh, mỗi năm, bà con trồng mới hơn 1.200 ha rừng. Thu nhập từ rừng đã giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Theo số liệu rà soát, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện khoảng 33%, năm 2018 giảm xuống còn 29,45% (số liệu đã rà soát); năm 2019, huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 23,7%.
Ý kiến ()