Đình Lập: Đẩy mạnh phát triển cây dược liệu
– Những năm qua, dựa vào lợi thế, tiềm năng của địa phương, huyện Đình Lập đã quan tâm phát triển cây dược liệu. Qua đó, vừa bảo tồn và phát triển bền vững cây dược liệu quý, vừa tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết: tại địa bàn huyện, các loại cây dược liệu như: sa nhân, ba kích, trà hoa vàng đã có từ lâu đời, chủ yếu là mọc tự nhiên dưới tán cây rừng. Vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng dược liệu ở trong nước rất lớn (khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn tấn/năm). Nhận thấy được điều đó, bà con đã tích cực trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích các loại cây này.
Bắc Xa là xã điển hình trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện, hiện xã có trên 100 ha sa nhân. Ông Hoàng Văn Bền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, cây sa nhân chủ yếu mọc tự nhiên ở trong rừng, đặc biệt là ở dọc các khe mương, suối. Sau khi nhận thấy giá trị và ưu điểm của loại cây trồng này, năm 2012, xã đã định hướng, tuyên truyền người dân tận dụng các mảnh rừng, khe suối có độ ẩm cao để trồng, tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, đến nay, toàn xã có trên 100 ha sa nhân trồng tại 13/13 thôn. Trong đó, hộ trồng ít từ 3 đến 4 sào, hộ trồng nhiều cũng từ 2 đến 4 ha. Riêng vụ năm nay, toàn xã thu khoảng 7 tấn quả tươi, giá trị đạt trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà con còn tận dụng tỉa các cây con để bán cho các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích.
Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập thu hoạch sa nhân
Không chỉ Bắc Xa, hiện nay, người dân trên địa bàn các xã khác trong huyện cũng tận dụng những diện tích đất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, hiện toàn huyện có 208 ha cây sa nhân (trong đó, 65 ha cho thu hoạch), sản lượng hằng năm ước đạt khoảng 13 tấn quả tươi, giá bán cao nhất được 180.000 đồng/kg; 68 ha ba kích, 11 ha trà hoa vàng và 1,6 ha cây sâm nam đang trong giai đoạn phát triển tốt, chủ yếu tập trung ở các xã như: Bắc Xa, Kiên Mộc, Châu Sơn, Cường Lợi, Đình Lập, Thái Bình. Hiện nay, sản phẩm dược liệu có thị trường tiêu thụ tốt, chủ yếu là bán sang thị trường Trung Quốc và tỉnh Bắc Giang.
Bà Lù Thị Lường, thôn Khe Mạ, xã Đình Lập cho biết: Nhận thấy cây sa nhân có giá trị kinh tế lại dễ bán, năm 2018, tôi đến xã Bắc Xa mua 500 cây con về trồng dưới tán rừng thông. Năm 2019, tôi tiếp tục trồng thêm 400 cây và đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã mở rộng lên 10.800 cây sa nhân. Ưu điểm của cây trồng này chính là trồng được dưới tán rừng, khả năng sinh sống tốt và lan ra rất nhanh, không tốn công chăm sóc. Năm 2021, 500 cây sa nhân vừa cho thu hoạch vụ đầu tiên được 60 kg quả tươi. Đồng thời, gia đình tôi kết hợp tỉa cây con bán cho các hộ khác, tính thu nhập vụ năm nay cũng được 10 triệu đồng.
Để phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn, năm 2010, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện mô hình thí điểm trồng 1 ha cây sa nhân và 1 ha cây ba kích tại thôn Bản Chạo (xã Kiên Mộc). Đến năm 2015, huyện tiếp tục thực hiện mô hình trồng cây ba kích tại thôn Kéo Khuế, xã Đình Lập với diện tích 0,5 ha. Qua thực hiện mô hình cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đối với sa nhân cho thu hoạch từ 100 kg đến 120 kg/ha, giá trị kinh tế đạt 20 triệu đồng/ha, đối với ba kích đạt gần 300 triệu đồng/ha. Đến năm 2017, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây trà hoa vàng và quy hoạch được vùng trồng ba kích tại 8 xã trên địa bàn. Cùng đó, thời gian qua, Phòng NN&PTNT huyện đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép, trong đó có nội dung mở rộng diện tích, quy hoạch vùng sản xuất dược liệu. Tính từ năm 2020 đến nay, đã tổ chức được 187 cuộc tuyên truyền cho gần 5.700 lượt người.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để phát triển các loài cây dược liệu trên địa bàn, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản dược liệu, chú trọng chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm để nâng cao giá trị. Đặc biệt, phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng và phát triển vùng trồng cây dược liệu, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, trồng cây dược liệu dưới tán rừng đạt 50 ha/năm. Qua đó, góp phần phát triển dược liệu bền vững, đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung các loại cây dược liệu không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các loại cây dược liệu quý mà còn tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế chung trên địa bàn huyện.
Ý kiến ()