Đình Lập: Đảm bảo an toàn cho người lao động tại các xưởng chế biến lâm sản
– Với 13 doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX), cơ sở đang hoạt động chế biến gỗ, theo đó, huyện Đình Lập có số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ nhiều thứ 2 (sau huyện Hữu Lũng) so với các huyện khác trong tỉnh. Hoạt động chế biến gỗ thường sử dụng nhiều lao động trực tiếp và thường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn trong lao động. Những năm qua, chính quyền huyện Đình Lập đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn huyện.
Có mặt tại Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hiếu Thủy – một trong những cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn, hoạt động lâu năm trên địa bàn huyện Đình Lập vào thời điểm đầu tháng 4/2021. Tại đây, hơn 10 công nhân đang hối hả với từng công đoạn, từ đưa gỗ vào máy bóc vỏ rồi chuyển sang máy thái. Công việc thường xuyên của người lao động là phải tiếp xúc những loại thiết bị như: máy bóc, máy cắt, máy cưa… khiến nguy cơ mất an toàn lao động luôn tiềm ẩn. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) luôn được chủ cơ sở tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, đồng thời các công nhân làm việc ở đây cũng được trang bị đồ dùng bảo hộ đầy đủ như găng tay, khẩu trang, quần áo, mũ bảo hộ….
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hiếu Thủy (Đình Lập) vận hành máy bóc gỗ tại xưởng của đơn vị
Bà Bế Thị Mai Hường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hiếu Thủy, huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay công ty có 13 công nhân chính thức, làm việc thường xuyên. Để đảm bảo ATLĐ cho công nhân khi làm việc, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến các công nhân về ATLĐ, xây dựng nội quy, quy chế để công nhân thực hiện lao động an toàn, cụ thể như: Khi làm việc phải sử dụng khẩu trang, găng tay, đội mũ… đồng thời hằng năm, công ty chủ động mua sắm các công cụ bảo hộ và phát 2 bộ quần áo lao động, mũ cứng, găng tay…
Theo thông tin từ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc (LĐTBXH-DT) huyện Đình Lập, không chỉ Công ty TNHH một thành viên Thương mại Hiếu Thủy, qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằng, tất cả 13 DN, HTX, cơ sở hoạt động chế biến gỗ tại huyện Đình Lập đều thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh ATLĐ. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện không có vụ tai nạn lao động nào liên quan đến chế biến lâm sản xảy ra. Ông Chu Văn Hậu, chuyên viên phụ trách lĩnh vực Lao động việc làm, Phòng LĐTBXH-DT huyện Đình Lập cho biết: Qua quá trình triển khai kiểm tra việc thực hiện ATLĐ đối với các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, về cơ bản các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, chủ sử dụng lao động và người lao động đều chấp hành tốt các quy định pháp luật về ATLĐ.
Để có kết quả đó, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng LĐTBXH-DT huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về ATLĐ cho các DN, HTX, cơ sở chế biến gỗ. Bên cạnh đó, Phòng LĐTBXH-DT huyện cùng với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác ATLĐ tại các đơn vị doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Từ đó kịp thời chấn chỉnh những DN, HTX, cơ sở không đảm bảo điều kiện ATLĐ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công tác đảm bảo vệ sinh ATLĐ phải được làm thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, DN, HTX, cơ sở sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn thực hiện tốt công tác này. Trong đó, yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến; vận động các chủ DN, HTX, cơ sở chế biến gỗ ký hợp đồng, đóng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động; tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho công nhân lao động để tự bảo vệ mình khi vận hành máy móc trong quá trình sản xuất.
Ý kiến ()