Đình Lập: Chủ động triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
(LSO) – Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là cơ hội để phát triển sản phẩm chủ lực, cơ cấu lại sản xuất, do đó, huyện Đình Lập đã chủ động triển khai và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Tháng 12/2019, tại hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2019 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, huyện Đình Lập có 2/9 sản phẩm đạt 3 – 4 sao. Các sản phẩm gồm: chè ô long của Công ty Cổ phần Chè Thái Bình Lạng Sơn đạt 4 sao; sản phẩm bún ngô Thuận Anh, xã Đình Lập đạt 3 sao. Với địa bàn không có nhiều sản vật đặc trưng, quy mô sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, việc có 2 sản phẩm được Hội đồng Đánh giá và Xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá cao cho thấy chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện đã nỗ lực rất lớn trong việc xác định, xây dựng những sản phẩm đặc trưng.
Triển khai chương trình OCOP, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 253 ngày 26/11/2019 về thực hiện đề án chương trình OCOP huyện Đình Lập giai đoạn 2019 – 2020. Cùng với đó, huyện Đình Lập kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thông mới, trong đó bổ sung chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện đề án chương trình OCOP; bố trí cán bộ phụ trách từ huyện đến các xã, thị trấn để triển khai thực hiện đề án. Huyện Đình Lập cũng thành lập Hội đồng Đánh giá và Xếp hạng sản phẩm thực hiện đề án.
Chị Bế Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh kiểm tra chất lượng sản phẩm bún ngô trước khi đóng gói
Công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ thông qua cổng thông tin điện tử của huyện, các tổ chức chính trị, xã hội; huyện đã tổ chức 1 khóa tập huấn cho gần 100 cán bộ liên quan thuộc các phòng ban, UBND xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như các bước triển khai thực hiện chương trình.
Bà Mông Thị Loan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Qua khảo sát, đánh giá, toàn huyện có 11 sản phẩm thế mạnh có khả năng tham gia chương trình OCOP. Trong đó, 5 sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng chủ lực gồm: chè khô, chè tươi; bún ngô, bún gạo khô; nước uống đóng bình Kéo Khuế; nhựa thông; giống cây lâm nghiệp (thông, keo); 6 sản phẩm sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng có tiềm năng gồm: ba kích; rượu ba kích; chè hoa vàng; sa nhân; vịt cổ xanh; măng tây. Sau khi xác định sản phẩm chủ lực của các xã, UBND huyện hỗ trợ học tập kiến thức, kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm nhất là hỗ trợ phát triển bao bì sản phẩm và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm.
Sau khi rà soát, đánh giá sơ bộ về khả năng hoàn thiện sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn các chủ thể sản xuất xác định những công việc cần làm như: hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, đánh giá… Nhờ chủ động vào cuộc, hướng dẫn cụ thể, sát sao mà cả 2 sản phẩm của huyện đều được đánh giá, phân hạng OCOP 3 – 4 sao.
Đáng ghi nhận là huyện Đình Lập đã bước đầu thực liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm đang có. Cụ thể như để sản xuất sản phẩm chè ô long, Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn đã chủ động được nguyên liệu đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm Bún ngô Thuận Anh bước đầu đã chủ động được đầu vào và chế biến sản phẩm, thị trường tiêu thụ hiện đang hướng đến các siêu thị và xuất khẩu. Chị Bế Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngôn Thuận Anh, xã Đình Lập cho biết: Để chủ động nguyên liệu đầu vào, tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã nông nghiệp tại huyện Tràng Định với sản lượng 12.000 tấn/năm. Cùng đó, yêu cầu hợp tác xã kiểm soát tốt chất lượng nguồn nguyên liệu nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Hiện tôi đang tích cực hoàn thiện bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để đề nghị thăng hạng trong thời gian tới.
Với những sản phẩm đã được công nhận, Hội đồng Đánh giá và Xếp hạng sản phẩm OCOP huyện hướng dẫn các đơn vị tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục đăng ký thăng hạng sao trong thời gian tới. Những sản phẩm khác đang được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, triển khai những việc cần làm theo yêu cầu của chương trình để đăng ký đánh giá, xếp loại trong thời gian tới.
Khó khăn của huyện Đình Lập trong xây dựng đề án OCOP giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 là tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ít tập trung. Xác định đề án OCOP là tiền đề hình thành vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ thể tham gia, từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn, thời gian tới, UBND huyện Đình Lập sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân, từng bước đổi mới phương thức sản xuất để phát triển các sản phẩm chủ lực.
Ý kiến ()