Đình Lập: Chủ động phòng dịch tả, thận trọng trong tái đàn lợn
– Hiện nay, Đình Lập là huyện duy nhất của tỉnh đã qua 60 ngày không xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã và đang chủ động nắm tình hình, triển khai các giải pháp hữu hiệu để đề phòng dịch bệnh tái phát. Đồng thời, hướng dẫn người dân thận trọng trong tái đàn, đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học.
Chúng tôi đến huyện Đình Lập, thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình bà Vi Thị Chìu, trú tại thị trấn Đình Lập vào một ngày đầu tháng 10. Đây là thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại nhiều huyện, thành phố, duy chỉ có Đình Lập đã qua nhiều ngày chưa có dịch. Chỉ vào đàn lợn mới nuôi khoảng 2 tháng, bà Chìu chia sẻ: Được sự hướng dẫn của cán bộ huyện, gia đình tôi thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Cụ thể, trong chọn giống, chúng tôi thường chọn tại các công ty có uy tín ở Bắc Giang hoặc Quảng Ninh, phải là địa bàn không có dịch; công ty cũng phải có sự bảo đảm, cam kết về chất lượng giống, hướng dẫn chăn nuôi và hỗ trợ kiểm tra, phòng trừ bệnh trên vật nuôi trong ít nhất 2 tháng. Về thức ăn, chúng tôi phải chuẩn bị thức ăn chăn nuôi riêng từ các nguồn đáng tin cậy chứ không cho ăn thức ăn dư thừa. Ngoài ra, gia đình tôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng lợn 2 lần/ngày, phun tiêu độc khử trùng 2 lần/tháng. Nhờ đó, trong mấy đợt dịch vừa qua, lợn nhà tôi chưa con nào bị bệnh, hiện có 20 con vẫn đang tăng cân đều và rất khoẻ mạnh.
Người dân thị trấn Đình Lập chăm sóc đàn lợn của gia đình
Không chỉ nhà bà Chìu, từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Đình Lập đã yên tâm và bắt đầu tái đàn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và thị trường. Song không phải tái đàn một cách tự phát, ồ ạt mà rất thận trọng, theo đúng quy trình, được sự đồng ý của các cấp chính quyền địa phương.
Bà Mông Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đình Lập cho biết: Để công tác tái đàn hiệu quả, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã thường xuyên bám nắm địa bàn, chỉ cho phép người dân tái đàn sau khi đã qua 30 ngày địa phương không có dịch. Trước khi tái đàn, phải dành 1 tuần để phun tiêu độc, khử trùng; đồng thời, thông tin rõ ràng tới cán bộ thú y về nguồn gốc con giống, dự kiến quy trình chăm sóc vật nuôi đảm bảo an toàn sinh học để được sự hướng dẫn. Đồng thời, lập hồ sơ để theo dõi các hộ tái đàn, nhằm triển khai các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Song song với việc hướng dẫn người dân tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, công tác phòng trừ, giám sát dịch bệnh cũng được các cấp, ngành của huyện Đình Lập đặc biệt quan tâm. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; thành lập 2 chốt kiểm dịch cấp huyện và 12 tổ kiểm dịch cấp xã, có nhiệm vụ thông tin thường xuyên về tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận. Từ đó, triển khai kịp thời các biện pháp kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào địa bàn; khoanh vùng, dập dịch nếu có, không để lây lan trên diện rộng; tổ chức hướng dẫn khi người dân có nguyện vọng tái đàn. Nhờ đó, trên địa bàn tuy có những đợt dịch xuất hiện vào một số thời điểm nhưng quy mô rất nhỏ và thiệt hại không đáng kể.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đình Lập cho biết: Chúng tôi không lơ là, chủ quan mà sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp như: tuyên truyền tới từng hộ dân thông tin về tình hình dịch bệnh, quy trình lấy mẫu và tiêu huỷ lợn bệnh; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh dịch và cách tái đàn, chăn nuôi đúng thời điểm, đảm bảo an toàn sinh học…
Trước những bài học thực tiễn trên địa bàn và sự tuyên truyền mạnh mẽ của các cấp, ngành trong thời gian qua, người dân đã dần có ý thức, rất thận trọng khi tái đàn và chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Đình Lập đạt trên 2.000 con, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020, gấp 3 lần so với tháng 9/2019. Tuy tổng đàn không lớn nhưng đã cho thấy việc tái đàn diễn ra an toàn, ổn định, đạt hiệu quả cao.
Việc chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ có lợi trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi mà còn là giải pháp lâu dài giúp nâng cao chất lượng vật nuôi, cần được người chăn nuôi sớm áp dụng.
Ý kiến ()