Định kiến giới – Rào cản phải được xóa bỏ
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, để xóa bỏ định kiến giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất và bền vững, chúng ta phải vượt qua nhiều “rào cản” khó khăn, phức tạp.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia trong thị trường lao động khá cao, đạt trên 70%. |
Từ định kiến giới…
Làm cộng viên dân số trong nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Yến, xã Quảng cát, thành phố Thanh Hóa, cho biết, xã Quảng Cát chỉ cách thành phố Thanh Hóa 10 km, có 18 thôn, với khoảng 15.000 dân, nhưng vấn đề về định kiến giới, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại không ít. Một số gia đình còn suy nghĩ phải đẻ bằng được con trai để nối dõi tông đường, hoặc có người chăm sóc cha mẹ khi về già.
“Thậm chí, một gia đình trong xã đã sinh 5 con, nhưng đều là nữ, mặc dù đã được các ban ngành, đoàn thể trong thôn, xã đến động viên, khuyên nhủ, nhưng bà mẹ lại đang tiếp tục mang thai đứa con thứ 6 với hy vọng là con trai, để sau này gia đình có người hương khói cho các cụ”, chị Yến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Yến cũng cho biết, số gia đình sinh con thứ 3, thứ 4 trong mấy năm gần đây cũng gia tăng đột biến. Có gia đình quả quyết cho rằng phải đẻ được con trai để không phải làm “từ thiện”.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục dân số tỉnh Thanh Hóa cho biết, vấn đề định kiến giới,” trọng nam khinh nữ” ở Thanh Hóa gần như địa phương nào cũng có, tuy nhiên, hiện nay, tư tưởng này không còn nặng nề như trước, mà tập trung ở một số vùng có đặc thù riêng như vùng biển, hoặc vùng sâu, vùng xa rất cần nam giới là lao động chính trong gia đình.
Năm 2014-2016, tỷ số giới tính khi sinh tại Thanh Hóa ở mức 115/100 (bé trai/bé gái) – mức khá cao so với mặt bằng chung của cả nước, thì đến năm 2017, tỷ lệ này tăng lên 116/100 (bé trai/bé gái). Với tỷ số này, Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh, thành “đứng đầu” cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục dân số tỉnh Nghệ An cũng cho biết, tỷ số giới tính của tỉnh đang là 114/100 (bé trai/bé gái sinh ra sống). Tỷ lệ này đã kéo dài 6-7 năm nay, nhưng chưa cải thiện được, thậm chí đang có xu hướng tăng.
“Ở Nghệ An, có 6 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện có đường bờ biển kéo dài. Người dân nơi đây chủ yếu là nông dân và đi biển đánh bắt thủy hải sản, nên họ luôn suy nghĩ có con trai rất quan trọng và là điều bắt buộc với mỗi gia đình, để có lao động đi biển. Thậm chí, ở khu vực đồng bằng và nông thôn ở Nghệ An, người dân cũng vẫn quan niệm phải có con trai nối dõi tông đường, nương tựa về già. Vì vậy, cuộc chiến về tuyên truyền sinh con trai, con gái ở Nghệ An vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và gay go”, ông Nguyễn Bá Tân chia sẻ.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, vấn đề bất bình đẳng giới đang còn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, khía cạnh vị thế của người phụ nữ còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, sự tiến bộ về vị thế của người phụ nữ có phát triển nhưng chưa đạt được mục đích.
Phụ nữ và nam giới chỉ sự khác biệt về mặt sinh học, không có sự khác biệt về mặt xã hội. |
…Đến bất bình đẳng giới!
Chị Võ Thị Huyền, cộng tác viên dân số của xã Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa chia sẻ, vấn đề định kiến giới dẫn tới bất bình đẳng giới rất dễ gây ra bạo lực trong gia đình. Chẳng hạn, sau khi được tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe của chính mình và nuôi dạy con tốt hơn, người vợ trong gia đình không muốn sinh nhiều con hoặc sinh bằng được con trai nữa, nhưng người chồng vẫn muốn vợ phải sinh bằng được con trai nên xảy ra bạo lực gia đình. Những trường hợp này không hiếm thấy ở nhiều địa phương khác.
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010, có tới 58% phụ nữ đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ, 10% đã bị chồng tấn công tình dục. Tuy nhiên, khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng và đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ, hiện nay, các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ, chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa có quy định cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ chưa biết đến những quy định này. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa được hỗ trợ vì chưa có hướng dẫn, quy trình thủ tục hướng dẫn phức tạp. Trong khi đó, những quy trình dành cho lao động nữ yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện, đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không muốn tuyển lao động nữ.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong thị trường lao động khá cao, đạt trên 70%. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 31%. Các chỉ số về phát triển giới, khoảng cách giới đều đạt ở mức trung bình cao. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ về mặt quản lý và lãnh đạo các cấp vẫn còn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ cũng thấp hơn nhiều so với nam giới. Lao động nữ có thu nhập bình quân cũng thấp hơn nam giới khoảng 10%. Đặc biệt, lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro, tổn thương hơn trong kinh doanh…
Cần thay đổi nhận thức đến hành động
Theo bà Ngô Liên Hương, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Đà Nẵng, các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh, giữa phụ nữ và nam giới chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học chứ không có sự khác biệt về mặt xã hội. Và để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ, kiên trì và sáng tạo.
Công tác tuyên truyền cần có sự thay đổi để giúp xã hội nhận thức toàn diện về bình đẳng giới. |
Trong đó, việc đầu tiên là tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, trong đó, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa ba môi trường: giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Theo đó, muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.
“Trường học là nơi thuận lợi và có điều kiên để xây dựng một môi trường bình đẳng nói chung và bình đẳng giới nói riêng tốt nhất và hiệu quả nhất”, bà Ngô Liên Hương chia sẻ.
Truyền thông cũng là một lực lượng quan trọng góp phần tác động để thay đổi những nhận thức sai lầm về phụ nữ và đàn ông. Ở một số nước phát triển, bên cạnh việc tôn vinh người phụ nữ, truyền thông còn cổ súy rất nhiều cho vai trò của người đàn ông trong gia đình. Chẳng hạn, những chương trình vào bếp cùng người nổi tiếng, những diễn đàn đưa người cha về với trái tim gia đình… là những chương trình được nhiều người yêu thích, ủng hộ.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, hiện nay, những vấn đề về kiến thức, khoa học công nghệ có thể thay đổi rất nhanh, trong khi vấn đề về nhận thức, định kiến vẫn còn tồn tại và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thay đổi. Vì vậy, trước mắt, chúng ta cần phải có dự báo về lao động mất việc, sự tác động của công nghệ đến việc làm của người lao động, để đưa ra những chính sách luật pháp căn cơ nhằm bảo vệ lao động nữ. Đồng thời, cần chuẩn bị cho người lao động có khả năng học tập suốt đời, tham gia đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt để tiếp cận thị trường lao động khi lâm vào tình huống bị mất việc. Vì so với nam giới, phụ nữ đang chịu tác động tiêu cực nhiều hơn trong trong kỷ nguyên số.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, chủ lao động bao giờ cũng muốn sử dụng lao động có chuyên môn, có sức khỏe tốt, lao động trẻ và lao động không bị vướng mắc với các điều kiện khác về gia đình. Vì thế, chúng ta cần phải có những giải pháp đi trước đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bảo đảm cơ hội việc làm cho người phụ nữ.
Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật… thì việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()