Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn: Phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam
Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) được in trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ một trong những điều cần làm khi chấn hưng nền văn hóa Việt Nam là phải: “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...) thì nguồn lực văn hóa là một nguồn sức mạnh mềm quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cảnh quan thiên nhiên Việt Nam, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn để đất nước phát triển thịnh vượng và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh mới, cũng cần nhận thức sâu sắc quan điểm: Bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay cũng (và còn) là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn hóa ngày càng tinh vi hơn.
Trong lý thuyết Quyền lực mềm của Giáo sư Joseph Nye (Mỹ), giá trị văn hóa quốc gia sẽ trở thành sức mạnh mềm phổ quát, khi thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung mà các quốc gia, dân tộc cùng chia sẻ.
Phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn cần lan tỏa giá trị, tinh hoa của văn hóa dân tộc ra thế giới, cũng như cần phải định hình được vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại.
|
Phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn cần lan tỏa giá trị, tinh hoa của văn hóa dân tộc ra thế giới, cũng như cần phải định hình được vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại.
Đến nay Việt Nam đã có tám di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 10 di sản tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, ba công viên địa chất toàn cầu, chín khu ramsar được UNESCO công nhận và ghi danh.
Cả nước có khoảng 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.633 di tích quốc gia, 571 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 294 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia.
Toàn quốc có 200 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 73 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật đặc biệt quý hiếm.
Chúng ta đã phong tặng danh hiệu 131 Nghệ nhân Nhân dân và 1.619 Nghệ nhân Ưu tú nắm giữ những bí quyết và những tinh hoa thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Đó là những tài sản, tài nguyên văn hóa hữu hình và vô hình vô cùng quý báu đã và đang hội tụ, góp phần tạo dựng nên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Khối tài sản, tài nguyên đó đang cần được tích cực khai thác, phát huy bằng những chiến lược phát triển, những chính sách thúc đẩy của Chính phủ, của các bộ, ngành và các cấp chính quyền, trong đó ngành văn hóa, thể thao và du lịch có vai trò tiên phong và chủ lực, để bảo vệ bản sắc văn hóa, lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, định vị văn hóa Việt Nam trong nền văn hóa thế giới, như định hướng của Đại hội XIII của Đảng đã nêu và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, cần quyết tâm thực hiện tốt nhiều giải pháp: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển mạnh du lịch-ngành kinh tế và văn hóa mũi nhọn để lan tỏa sức mạnh mềm.
Ý kiến ()