Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn: Coi trọng tính khả thi và hiệu quả thiết thực của các nghị quyết
Cương lĩnh, đường lối chiến lược, các định hướng về chủ trương lớn, các nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là khởi nguồn của các chính sách, luật pháp, kế hoạch, đề án về phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai trong thực tiễn.
Đổi mới việc xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng nghị quyết của các cấp ủy đảng góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống nhanh và hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng.
Trong bài viết Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu: Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện nghị quyết của Đảng.
Từ thực tiễn thực hiện nghị quyết của cấp ủy cơ sở trong xây dựng nông thôn mới tại thôn Hàn Lạc, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Phiên ghi nhận: Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong hoạt động của các cấp ủy đảng. Làm tốt công việc này, các cấp ủy đảng nâng cao tính khoa học, giữ vững và tăng cường vai trò, năng lực và hiệu quả lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo các cấp ủy đảng khi ban hành nghị quyết phải thật sự “ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện”, “phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi” chính là đã nhìn thẳng vào sự thật rằng, khá nhiều nghị quyết của các cấp ủy đảng hiện nay dài dòng, lời lẽ chung chung, không bám sát tình hình thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, hay tình trạng nghị quyết của cấp ủy cấp dưới “nhân bản” nghị quyết của cấp ủy cấp trên mà thiếu các giải pháp phù hợp thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Xã Phú Thị đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới từ năm 2022. Hiện nay, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với hoàn thành các tiêu chí để thành lập phường theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Chi bộ thôn Hàn Lạc bàn bạc, thảo luận, thống nhất ban hành nghị quyết về việc huy động nhân dân đóng góp, cải tạo đường liên thôn.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Xuân Hồng chia sẻ: “Thực tế nhiều năm công tác ở cơ sở tôi thấy, việc cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống có nhanh, kịp thời, phù hợp và hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Khi các nghị quyết xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, hội tụ được ý Đảng với lòng dân, sẽ “tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu. Như đường liên thôn mà chúng tôi vừa hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, từ sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn đồng thuận, đóng góp 240 triệu đồng và 300 ngày công để thực hiện. Đoạn đường dài 1,3 km được mở rộng đến 11m”.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Thị Hoàng Thị Thúy Hằng nêu kinh nghiệm: Để đổi mới mạnh mẽ trong triển khai thực hiện các nghị quyết như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, cần quan tâm việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết. Việc sơ kết, tổng kết nhằm chỉ ra những hạn chế, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để từ đó gợi mở ban hành các văn bản chỉ đạo tiếp theo có chất lượng hơn. Cùng với nghị quyết toàn khóa, hiện nay, nhiều cấp ủy đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; khắc phục điểm yếu, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp của địa phương.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cũng chính là yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Để mỗi nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống và thực hiện đạt hiệu quả cao, cần bảo đảm yêu cầu về lý luận, tính nguyên tắc, định hướng, đồng thời đáp ứng đòi hỏi giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn khách quan, có tính khả thi cao.
Các cán bộ cơ sở ở thôn Hàn Lạc, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) thống nhất rằng, đây cũng là công việc thể hiện rõ nhất năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ý kiến ()