Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn: Chăm lo đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Trong sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí quan trọng trong định hướng xây dựng, phát triển đất nước qua các nhiệm kỳ. Những chỉ đạo về phát triển "tam nông" mang tư duy chiến lược, thể hiện tâm-tầm của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta giai đoạn vừa qua đối với đời sống người dân khu vực nông thôn.
Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, được đăng lại trong cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, với tiêu đề "Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị".
Trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X; thống nhất về nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư khẳng định, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên đều đã ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề và kế hoạch thực hiện phù hợp thực tế địa phương.
Đối với địa bàn thuần nông như xã Liên Chung, địa phương xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Mục tiêu đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị nông sản hàng hóa. Song song với phát huy thế mạnh có nhiều loại cây trồng truyền thống, cấp ủy, chính quyền tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, trồng những cây có giá trị kinh tế cao như sâm nam núi Dành, măng lục trúc, cây sen; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, biện pháp thâm canh bền vững; quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng cây ăn quả, rau màu, cây dược liệu nhất là cây trồng có tiềm năng xuất khẩu như sâm nam núi Dành, hành, tỏi…
Phát huy lợi thế nông nghiệp và các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, xã Liên Chung đang hình thành mô hình dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết nối với Khu Du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và các khu di tích lịch sử vùng lân cận.
|
Qua ba năm triển khai, xã Liên Chung đã phát triển mới hơn 50 ha sâm nam núi Dành, thành lập được một công ty và sáu hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sâm nam. Có ba sản phẩm được công nhận đạt OCOP là trà nụ hoa sâm; nem nướng Liên Chung đạt chuẩn 4 sao; tương quê Liên Chung đạt 3 sao. Ủy ban nhân dân xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận thêm năm sản phẩm OCOP trong năm 2024. Việc quan tâm hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý góp phần gia tăng giá trị một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm và hệ thống kho bảo quản nông sản, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp xuất khẩu.
Từ định hướng đúng đến nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã thúc đẩy xu hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ vài chục triệu đồng đến gần một tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Chủ trương đi vào cuộc sống đã tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về quê làm việc; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa; có chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ đầu tư vào nông thôn.
Phát huy lợi thế nông nghiệp và các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, xã Liên Chung đang hình thành mô hình dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết nối với Khu Du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và các khu di tích lịch sử vùng lân cận; kết hợp giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng. Đây sẽ là hướng đi hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển toàn diện, bền vững; nông dân và dân cư nông thôn văn minh, có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Ý kiến ()