Định hướng cho tương lai
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc được tư vấn việc làm sau khi tốt nghiệp |
Nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, các trường THCS, THPT đã tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp thông qua hoạt động dạy nghề hướng nghiệp và qua tiết dạy hướng nghiệp theo chương trình quy định. Các nhà trường, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thường xuyên tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp. Nhiều trường còn phối hợp với trường nghề tuyên truyền, giới thiệu tuyển sinh cho học sinh, phụ huynh vào cuối năm học… Qua đó, nhằm trang bị cho học sinh, phụ huynh kiến thức về lựa chọn nghề nghiệp, trường học cho phù hợp với năng lực và nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay.
Em Lăng Văn Quang, học sinh lớp 12, Trung tâm GDTX II chia sẻ: Ngoài học văn hóa, em được các thầy cô tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Em đã quyết định học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Trong năm học vừa qua, khi nhà trường tổ chức cuộc thi “ý tưởng khởi nghiệp”, em đăng ký tham gia với đề tài về sửa chữa máy nông cụ, được hội đồng đánh giá cao. Việc được định hướng nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường rất thiết thực, giúp em và các bạn có định hướng tốt cho tương lai.
Trong năm học 2016 – 2017, đã có hơn 3.030 học sinh các trường THPT tham gia học trung cấp nghề tại các trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp; 100% các trường THCS và THPT tổ chức cho học sinh học nghề phổ thông. Các ngành nghề được lựa chọn chủ yếu là: sửa chữa điện dân dụng, điện tử; sửa chữa máy nông nghiệp, hàn – cơ khí; nghề mộc; nấu ăn; tin học văn phòng…
Thầy giáo Hoàng Văn Tặng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Lộc Bình cho biết: Hằng năm, nhà trường luôn quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua tổ chức các buổi tư vấn, tạo điều kiện để học sinh trải nghiệm, ý thức về nghề. Phân tích để các em có suy nghĩ nghiêm túc hơn trong việc xác định, lựa chọn học tiếp lên đại học hay học nghề.
Cùng với định hướng nghề nghiệp, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh còn chú trọng duy trì mạng lưới giáo dục nghề nghiệp – GDTX ở cấp huyện thực hiện 3 nhiệm vụ: dạy văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề. Theo đó, trong năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 2.609 học viên học chương trình bổ túc THCS và THPT và hướng nghiệp nghề. Bên cạnh đó, trong tổng số 1.098 học sinh tuyển vào lớp 10 bổ túc THPT thì có 1.073 học sinh đăng ký học văn hóa kết hợp học trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ tham gia học nghề đạt 97,3%. Ngoài dạy nghề và định hướng nghề cho học sinh, các trung tâm này còn phối hợp tổ chức dạy nghề cho các học sinh sau tốt nghiệp thuộc các lĩnh vực được xã hội quan tâm. Trong năm học 2016 – 2017, các trung tâm đã mở được 57 lớp tin học với 1.846 học viên; 67 lớp ngoại ngữ với 1.527 học viên; 59 lớp tiếng dân tộc với 2.726 học viên…
Ý kiến ()