Định hình các cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô
Việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội mà sẽ lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước. Chiều 10-11, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời yêu cầu dự thảo luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ trong giao nhiệm vụ cho chính quyền TP Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Đề xuất nhiều chính sách đặc thù
Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Chính phủ cho biết, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô. Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính của quốc gia đồng thời là đô thị đặc biệt.
Trong đó, về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, dự thảo luật quy định thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội. Cùng với đó, tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, chiều 10-11. Ảnh: TRỌNG HẢI
Chính phủ đề xuất thành lập hai thành phố trực thuộc TP Hà Nội. Dự kiến là thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía Bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía Tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai. Hai thành phố được đề xuất thành lập bổ sung sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị…
Liên quan đến những quy định về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, dự thảo luật đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù. Về đầu tư, đề xuất của Chính phủ là cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa), mở rộng phạm vi áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
Về phát triển khoa học và công nghệ quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Trong nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ diện tích, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép, loại công trình phụ trợ bán kiên cố… Đối với chính sách xã hội, quy định HĐND TP Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội…
Xin ý kiến liên quan quy định về biên chế cán bộ, công chức, viên chức
Tại tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của TP Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 9). Cụ thể, căn cứ yêu cầu từ thực tiễn của Thủ đô, dự thảo luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. HĐND TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.
Quy định này bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho TP Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này khác với quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, theo đó, Bộ Chính trị “quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế”. Do vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Một góc đô thị Hà Nội, đường dẫn lên cầu Nhật Tân. Ảnh: TRỌNG HẢI
Mấu chốt là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thủ đô
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời khẳng định, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Phát biểu tại thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Đây là dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt và là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy tạo động lực dẫn dắt cho cả nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ cũng cho rằng xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng cho Thủ đô, thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”. Bày tỏ quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt. Hai đô thị này đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được các hạn chế, bất cập, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô… Theo đó, mấu chốt là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thủ đô, song song với đó cần cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dinh-hinh-cac-co-che-dac-thu-vuot-troi-cho-thu-do-750930
Ý kiến ()