Ðiều kiện tiên quyết và nhân tố quan trọng cho phát triển
Thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thời gian qua, Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an xác định: "Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự là nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng cơ bản để giữ vững an ninh, trật tự, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật". PV Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Trung tướng Nguyễn Danh Cộng (xem ảnh), Chánh Văn phòng Ðảng ủy Công an T.Ư, Chánh văn phòng Bộ Công an xoay quanh chủ đề này.
PV: Ðồng chí cho biết kết quả nổi bật của lực lượng Công an trong hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 là gì?
Trung tướng Nguyễn Danh Cộng: Năm 2014, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn; các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm gia tăng hoạt động, chống phá, lực lượng Công an đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phát huy vai trò nòng cốt, bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Phối hợp xác minh hàng trăm công ty, tập đoàn, cá nhân có dự án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam để tham mưu lựa chọn đối tác có năng lực, ngăn chặn hoạt động lừa đảo hoặc gây phương hại đến lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia.
Trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, qua đấu tranh cho thấy, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động là không thay đổi. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự liên kết, móc nối chặt chẽ trong – ngoài. Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo đấu tranh mạnh, phát hiện, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động chống phá với nhiều màu sắc, chiêu thức, thủ đoạn, đồng thời chủ động tham mưu làm tốt bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, ngăn ngừa các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nỗ lực đó góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Ðặc biệt, đã tham mưu, phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm đưa vào hoạt động, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết ổn định tình hình an ninh, trật tự trong các KCN, KKT, KCX.
Ðáng tiếc là từ những nguyên nhân xã hội chưa được giải quyết kịp thời, triệt để, kết hợp với bức xúc dân sự tích tụ, dồn nén trong một bộ phận nhân dân, khi bị kích hoạt, bị lợi dụng, ý đồ chuyển hóa vì mục tiêu chính trị xấu của các thế lực thù địch, phản động và bọn tội phạm một vài nơi đã bùng nổ thành “điểm nóng”.
Song phải khẳng định, nếu ta không tập trung ngăn chặn kịp thời yếu tố địch, phần tử xấu và bọn tội phạm, đồng thời tăng cường ngay lực lượng, tập trung biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ ở Bình Dương, Ðồng Nai, Hà Tĩnh… thì tình hình có thể còn diễn biến khác.
Chính việc Bộ trưởng Công an chỉ đạo triển khai ngay lực lượng hỗ trợ các địa phương, việc kiên quyết bắt giữ những trường hợp có hành vi quá khích, nhanh chóng phân loại, điều tra làm rõ, đưa những kẻ chủ mưu, vi phạm pháp luật ra xét xử công khai, nghiêm minh trước pháp luật, đi kèm các biện pháp phối hợp, hỗ trợ khắc phục kinh tế kịp thời hữu hiệu, đã có tác dụng răn đe kẻ xấu, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình, thúc đẩy hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng thu hút đầu tư, vốn, công nghệ.
Trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cho thấy, những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước là mảnh đất màu cho tội phạm kinh tế. Tham nhũng như vòi bạch tuộc, thậm chí bắt tay với những cán bộ thoái hóa biến chất để được “bảo kê” phạm tội, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tác động xấu đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng (chúng ta đã phát hiện, khởi tố điều tra 1.318 vụ, 2.109 bị can, tăng 1,62% về số vụ so với năm 2013).
Ðiển hình là vụ Công ty Trường Ngân ở TP Hồ Chí Minh lừa đảo chiếm đoạt 600 tỷ đồng; vụ “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Ðông Anh, thu hồi hàng chục tỷ đồng. Rồi một loạt vụ buôn lậu xăng dầu, trốn thuế, gian lận thương mại, điển hình như vụ buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn tại vùng biển Thanh Hóa; buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam sang Trung Quốc qua đường biển Quảng Ninh, đường bộ Lào Cai, Cao Bằng; vụ buôn lậu than từ Việt Nam sang Trung Quốc, thu giữ hàng trăm nghìn tấn… Kết quả đấu tranh với tội phạm kinh tế đã góp phần khôi phục hoạt động bình thường, lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng; thu hồi số lượng lớn tài sản cho Nhà nước; tăng thu ngân sách, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ðã khẩn trương điều tra, làm rõ và đưa ra xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng (phát hiện, khởi tố điều tra 303 vụ, 599 bị can), trong đó có những vụ lớn, có những bị can từng giữ chức vụ cao, được dư luận đồng tình như các vụ: Dương Chí Dũng, Nguyễn Ðức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Trần Trọng Phúc… Ðó là nỗ lực rất lớn, và thật sự không đơn giản. Từ đây đã phát hiện những “lỗ hổng” quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài… Ðiển hình là vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam.
PV: Nhân dân rất bức xúc trước hoạt động của các băng, nhóm tội phạm theo kiểu “xã hội đen”, “núp bóng” các công ty, doanh nghiệp trá hình, gây mất ổn định an ninh, trật tự, ảnh hưởng xấu tới môi trường sản xuất, kinh doanh? Nỗ lực của cơ quan chức năng thời gian qua ra sao, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Danh Cộng: Phải khẳng định, ngay từ đầu năm 2014, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo rất quyết liệt, toàn lực lượng Công an với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung rà soát, đấu tranh ngăn chặn, triệt xóa các băng nhóm tội phạm. Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm có tổ chức và ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCA, ngày 6-1-2014 về đấu tranh với tội phạm có tổ chức trong tình hình mới; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát kỹ các băng, nhóm tội phạm; liên tục mở các cao điểm tiến công trấn áp tội phạm, tập trung vào 18 địa bàn trọng điểm. Năm 2014, ta đã triệt phá 4.904 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, điển hình như: băng, nhóm Minh “sâm” ở Bắc Ninh; băng, nhóm Vũ Trung Kiên và Ðỗ Công Bình cầm đầu tại Thanh Hóa; băng, nhóm Tiến “con” ở TP Hồ Chí Minh; xóa bỏ tình trạng tội phạm hình sự thao túng, lũng đoạn nền kinh tế, ngăn chặn tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Có thể khẳng định, sự lộng hành của các băng, nhóm tội phạm đã giảm hẳn so với năm 2013 và những năm trước, không chỉ góp phần giữ vững an ninh, trật tự, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp, tạo niềm tin trong nhân dân.
PV: Ngoài kết quả phòng, chống tội phạm, đồng chí đánh giá thế nào về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật?
Trung tướng Nguyễn Danh Cộng: Tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực, nổi lên là vi phạm trật tự, an toàn giao thông (phát hiện, xử lý gần 5,1 triệu trường hợp); trật tự đô thị, trật tự công cộng (phát hiện, xử lý 247.059 trường hợp); về quản lý kinh tế (phát hiện, xử lý 86.172 vụ); về phòng cháy, chữa cháy (phát hiện, xử lý 12.326 trường hợp); về môi trường (phát hiện và xử lý 10.065 vụ); vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (phát hiện 2.370 trường hợp). Qua thanh tra, kiểm tra, năm 2014, đã xử phạt hành chính hơn 5,6 triệu vụ, phạt tiền hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông xử phạt gần 5,1 triệu vụ, phạt tiền hơn 2.800 tỷ đồng.
Cần phải khẳng định, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội, an ninh, trật tự, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
PV: Thời gian tới, để phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có hiệu quả, đâu là những ưu tiên của lực lượng Công an, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Danh Cộng: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá, tuyên truyền, kích động, gây rối an ninh, trật tự. Tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao… ngày càng phức tạp.
Tôi cho rằng, không thể có thành tựu nếu chỉ từ những biện pháp đơn lẻ. Mục tiêu của lực lượng Công an thời gian tới là tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, nhất là đối với các lĩnh vực: quản lý cư trú; phòng cháy và chữa cháy; trật tự công cộng, trật tự, an toàn giao thông, môi trường, thương mại, tài chính, ngân hàng… Thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm; liên tục mở các đợt cao điểm tiến công tội phạm; triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp, tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm. Ðó còn là việc tham gia tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện hợp tác quốc tế… Ðẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự theo tinh thần Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, bao che tội phạm của cán bộ, chiến sĩ công an trong thi hành nhiệm vụ.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại, trước mắt là thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2015.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
“Tôi cho rằng, thế giới không thể không thừa nhận nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam, cho dù có thế lực vẫn muốn khoét sâu, xuyên tạc, đổi trắng thay đen”. |
Trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, qua triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, biện pháp, đã khám phá 43.837 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 75.905 đối tượng, đạt tỷ lệ 77,3%; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 93,3% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao). |
Các nhà tài trợ vốn đầu tư nước ngoài có thể thấy rõ quyết tâm “đánh” tham nhũng của Việt Nam để đặt lòng tin vào môi trường đầu tư, các dự án đã và đang triển khai ở nước ta. Ðể nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng với phương châm “Thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”, đổi mới cải cách tư pháp, vai trò của báo chí, phát hiện giám sát của nhân dân, các kênh thanh tra, kiểm tra… là rất quan trọng. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()