Điều khoản về lao động trong FTA đảm bảo phát triển công bằng, bền vững
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã nhấn mạnh đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường. Đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Ông Chang Hee Lee |
Quyền về lao động là một trong những vấn đề chính trong vòng đàm phán cuối cùng trước khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký kết. Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee đã phân tích về ý nghĩa của vấn đề lao động trong CPTPP đối với Việt Nam. Hiệp định được ký kết bởi 11 quốc gia vào ngày 8/3, bao trùm thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới và 15% thương mại toàn cầu.
Theo đánh giá của ông Chang-Hee Lee, CPTTP cùng với EU-Việt Nam FTA, được gọi là những FTA thế hệ mới, với đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững. Đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Các FTA thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO, với nền tảng là: tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể (được quy định trong Công ước ILO số 87 và 98); loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước ILO số 29 và 105); xoá bỏ lao động trẻ em (Công ước ILO số 138 và 182); xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước ILO số 100 và 111).
Chương lao động của CPTTP dựa trên Tuyên bố 1998 của ILO. Chương này cũng đưa ra mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO với các điều kiện thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định. Ông Chang-Hee Lee cho rằng, bên cạnh ý nghĩa về thương mại, Việt Nam nên sử dụng điều này như một cơ hội để hiện đại hoá pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động trong khung thời gian đã định.
Theo đánh giá của ông Chang-Hee Lee, Việt Nam đã thực hiện các bước để đáp ứng yêu cầu của CPTPP thông qua quá trình cải cách pháp luật lao động và thể chế. Trên thực tế, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp luật lao động. Trong những năm gần đây, diện bao phủ của sự bảo vệ về pháp luật đã được mở rộng dần đến người lao động trong nền kinh tế phi chính thức. Đồng thời, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đã trở thành một quá trình ba bên với sự tham gia của đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Ông Chang-Hee Lee cho biết, thời gian tới, ILO sẽ tăng cường nỗ lực hỗ trợ cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động, không chỉ để Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về lao động của CPTPP và EU-Việt Nam FTA, mà còn nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()