Về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và mười tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10 ước tăng 5,2% so tháng trước và tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2010. Tính chung mười tháng, IPP tăng 7% so cùng kỳ năm 2010. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng so cùng kỳ nhưng đang gặp khó khăn do tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng. Mười tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 23,1% so cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,36% so tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9-2010. So tháng 12-2010, CPI tháng 10-2011 tăng 17,05%, so cùng kỳ năm trước tăng 21,59%, bình quân mười tháng tăng 18,5%.
Tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 20-10 ước tăng 7,5% so tháng 12-2010. Tỷ giá giao dịch VND/USD bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng phù hợp thị trường. Dự trữ ngoại hối tăng so đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 558,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93,9% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 4,5% so tháng trước; lũy kế mười tháng ước đạt hơn 78 tỷ USD, tăng 34,6% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước khoảng 9,1 tỷ USD, giảm 3,7% so tháng trước, lũy kế mười tháng ước hơn 86,4 tỷ USD, tăng 27,2% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tháng 10 khoảng 0,8 tỷ USD, bằng 9,6% kim ngạch xuất khẩu, lũy kế mười tháng khoảng 8,4 tỷ USD, tương đương gần 10,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mười tháng ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 1% so cùng kỳ năm 2010. Vốn ODA giải ngân ước đạt 2,33 tỷ USD, bằng 97% kế hoạch năm, tăng 10,3% so cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ngay từ đầu năm theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong tháng 10 và mười tháng qua, tình hình kinh tế – xã hội dần đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế, CPI giảm xuống mức thấp nhất, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh, thu ngân sách tăng… An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người lao động tiếp tục được quan tâm; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, áp lực lạm phát sẽ gia tăng, tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng chịu nhiều áp lực tăng cao hơn, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong thanh khoản. Lũ lụt gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp và nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sáu nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận các báo cáo: Tóm tắt tình hình thiệt hại, kết quả công tác phòng, chống bão, lụt và các biện pháp khắc phục, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng của các đợt bão, lũ thời gian qua; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ XIII; Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; dự thảo Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý hoạt động khai thác khoáng sản…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Thời gian qua, chúng ta đã đạt kết quả tích cực bước đầu trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều khó khăn và thách thức cũng bộc lộ rõ hơn trong hai tháng cuối năm, nổi lên là vấn đề lạm phát. Do đó, nếu các bộ, ngành, địa phương không quyết liệt, chặt chẽ, linh hoạt thì khó bảo đảm mục tiêu kiềm chế CPI ở mức 18% năm 2011 vì hai tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, lương cơ bản đã được điều chỉnh tăng, giá nông sản có xu hướng tăng, chăn nuôi giảm xuống thì giá thịt lợn Tết tăng lên… Từ đó mục tiêu giảm CPI giảm một con số cho năm 2012 càng khó hơn. Một vấn đề nữa là sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất còn cao, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm dần, hàng tồn kho tăng, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay… Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan phải phối hợp chặt chẽ, đánh giá để đưa ra chính sách phù hợp cho những tháng tới. Điều đó cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành phải nhất quán, quyết liệt và linh hoạt.
Đề cập nhiệm vụ hai tháng cuối năm, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục kiên định thực hiện các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP đã đề ra. Lãnh đạo các bộ, ngành cần theo dõi sát tình hình để điều hành linh hoạt, sát thực tế. Trong đó, đặc biệt coi trọng và kiên trì nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, phấn đấu giữ CPI ở mức 18%, tạo tiền đề đưa lạm phát năm 2012 về mức một con số, đồng thời bảo đảm mức tăng trưởng GDP 6%. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Thủ tướng giao Thống đốc NHNN tính toán các phương án để điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp tín hiệu thị trường, nhất là bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm nay, cũng như phấn đấu kiểm soát tỷ giá ngoại tệ, xây dựng phương án giảm dần lãi suất. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương làm tốt việc quản lý giá, cân đối và cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, không để xảy ra tình trạng khan hàng vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tăng cường kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, nâng giá, hàng giả, gian lận thương mại…
Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế để khuyến khích, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hướng nguồn tín dụng tập trung cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, các DN sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động trong lĩnh vực hàng thiết yếu. Về đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, giải quyết sớm vốn cho các dự án, công trình thật sự cấp bách và sắp hoàn thành, có hiệu quả kinh tế – xã hội. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn đầu tư cho các dự án, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học… Việc cắt giảm đi đôi với việc nâng cao chất lượng đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Chính phủ sẽ sớm xem xét Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Trong đó, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, tăng quy mô hợp lý, phù hợp nền kinh tế, khắc phục những yếu kém của hệ thống ngân hàng. Chính phủ khẳng định, kiên quyết kiểm soát, bảo đảm quyền lợi của người dân gửi tiền ở các ngân hàng.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quan tâm đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, quan tâm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làm tốt công tác chăm lo sức khỏe của người dân, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch chân, tay, miệng; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, bảo đảm quốc phòng, an ninh – trật tự; tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quyết tâm và hành động của Chính phủ, tạo đồng thuận cao trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ…
* Chiều 4-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo một số bộ trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan lĩnh vực: lãi suất ngân hàng, sắp xếp, đổi mới DNNN, phương án điều chỉnh giờ làm, tính thanh khoản của các ngân hàng, quản lý giá… Riêng về giá điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam khẳng định, trong phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ chưa bàn việc tăng giá điện và việc này sẽ xem xét vào thời điểm thích hợp. Chính phủ sẽ yêu cầu ngành điện công khai giá điện, kết quả sản xuất, kinh doanh, và việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường phải bảo đảm có lộ trình, có giải pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo.
Ý kiến ()