Ðiều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Năm 2013, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đồng thời công tác triển khai các biện pháp cơ cấu lại nền kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành tài chính. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành tài chính tích cực triển khai thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và NSNN năm 2013 đã được Quốc hội thông qua, vừa chủ động ứng phó, đương đầu với những khó khăn phát sinh.
Năm 2013, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đồng thời công tác triển khai các biện pháp cơ cấu lại nền kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành tài chính. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành tài chính tích cực triển khai thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) và NSNN năm 2013 đã được Quốc hội thông qua, vừa chủ động ứng phó, đương đầu với những khó khăn phát sinh.
Nhận diện khó khăn, kịp thời tháo gỡ
Ðã bước sang tháng 8-2013 nhưng công tác thực hiện thu NSNN nhằm bảo đảm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước vẫn còn nhiều nỗi âu lo khi tổng thu NSNN tính đến ngày 31-7 ước đạt 429.165 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán. Trong đó, số thu nội địa chỉ mới đạt 281.720 tỷ đồng, là tỷ lệ đạt thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trong hoạt động của khối doanh nghiệp (DN) – trụ cột của nền kinh tế, tính đến ngày 30-6, toàn quốc có tới gần 25 nghìn DN ngừng hoạt động, trong đó có 202 DNNN, 269 doanh nghiệp có vốn ÐTNN, 24.460 DN ngoài quốc doanh. DN ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc ngừng nghĩa vụ đóng góp thuế cho Nhà nước, và mặc dù số DN thành lập mới gần tương ứng nhưng rõ ràng là không thể đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) ổn định như những DN đã có thời gian hoạt động trong thị trường. Ðiều này đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính – NSNN năm 2013.
Nhận rõ những khó khăn này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, trong lĩnh vực tài chính – NSNN, toàn ngành tài chính đã nỗ lực, phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong công tác điều hành nhiệm vụ tài chính – NSNN, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thông báo kịp thời nhiệm vụ thu, chi NSNN và vốn đầu tư phát triển (ÐTPT) năm 2013 cho các bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương. Ðồng thời, Bộ Tài chính đã khẩn trương hiện thực hóa các nghị quyết của Chính phủ bằng việc ban hành và trình ban hành các chính sách, chế độ tài chính quan trọng (như: miễn, giảm, giãn một số sắc thuế, khoản thu NSNN), góp phần tháo gỡ kịp thời một phần khó khăn, tạo thêm nguồn vốn cho DN đầu tư và đã có sự chuyển biến bước đầu đối với hoạt động SXKD. Ngành đã xử lý gia hạn thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng (GTGT) cho khoảng 150 nghìn lượt DN với số tiền khoảng 5.380 tỷ đồng, giúp hơn 105 nghìn đối tượng nộp thuế với 4.428 tỷ đồng thuế GTGT và hơn 45 nghìn đối tượng nộp thuế với 952 tỷ đồng thuế thu nhập DN được kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn này. Với chính sách thuế GTGT, thu nhập DN và thu nhập cá nhân mới được sửa đổi, bổ sung, ngành tài chính dự kiến sẽ giảm thu NSNN năm 2013 và 2014 hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, và số tiền này sẽ góp phần tạo thêm nguồn vốn cho DN đầu tư phát triển SXKD. Cũng chỉ trong các tháng đầu năm, ngành tài chính đã nhanh chóng thực hiện phân bổ, thông báo bổ sung 10 nghìn tỷ đồng vốn từ chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương tới các địa phương, đã xuất 250 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN để cấp bổ sung cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại.
Thực hiện giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Trong bối cảnh khó khăn nhiều bề, để thật sự đạt được hiệu quả cao, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị kiên định thực hiện nguyên tắc điều hành NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thu, chi và huy động vốn, bảo đảm cân đối NSNN và ÐTPT. Theo đó, trong công tác điều hành thu NSNN, Bộ Tài chính đã tăng cường thực thi pháp luật về thuế, đẩy mạnh chống thất thu, nợ đọng thuế và chống chuyển giá; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu NSNN.
Trong công tác chi NSNN, bên cạnh việc bảo đảm nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Ðặc biệt, Bộ yêu cầu không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách; không ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi NSNN mà không có nguồn bảo đảm; hướng dẫn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn ÐTPT; cắt giảm, tiết kiệm chi phí… Cơ quan tài chính các cấp được yêu cầu phải tăng cường giám sát việc thực hiện dự toán của các đơn vị sử dụng NSNN, rà soát và kiên quyết cắt giảm, thu hồi nếu chi tiêu không đúng quy định… nhằm chủ động bảo đảm cân đối ngân sách trong trường hợp xảy ra biến động lớn về thu NSNN. Ðến giữa tháng 7-2013, toàn ngành đã huy động được 64,8% kế hoạch, bảo đảm nguồn đáp ứng các nhu cầu chi ngân sách trong bối cảnh thu ngân sách đạt thấp.
Trong công tác huy động vốn, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch huy động vốn trong nước phù hợp, linh hoạt. Do có sự phối hợp chặt chẽ với sự điều hành chính sách tiền tệ nên cùng với xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã được điều chỉnh theo hướng giảm dần. Sự kết hợp này đã góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng gần đây tăng ở mức thấp so với mức tăng cùng kỳ và đã có những tác động tích cực đến sự phát triển KTXH. Các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD của DN khi sản xuất công nghiệp phục hồi, lượng hàng tồn kho giảm, tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; giá cả ổn định; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng; công tác an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm… là sự khẳng định các giải pháp đã đề ra là cần thiết, đúng hướng, đã tạo sự chuyển biến tích cực cho DN và nền kinh tế.
Ðiều hành quyết liệt, linh hoạt hơn
Tuy nhiên, thực tế đất nước cũng đã đặt ra nhiệm vụ rất lớn và khó khăn cho việc thực hiện chính sách tài chính – NSNN trong những tháng còn lại của năm. Ðể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính xác định: sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, quyết tâm khắc phục khó khăn, tăng cường chỉ đạo thực hiện khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đã đề ra. Trong đó, toàn ngành xác định rõ sự quyết tâm, sự đồng thuận trong công tác chỉ đạo thực hiện hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2013. Ðể đạt được mục tiêu thu đúng dự toán, ngành xác định nhiệm vụ đầu tiên, rất quan trọng là phải thúc đẩy phát triển SXKD kết hợp quản lý thu – chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, Bộ yêu cầu không ban hành các cơ chế, chính sách có tác động làm tăng chi NSNN khi không có nguồn bảo đảm; quản lý chặt chẽ và chỉ phân bổ sử dụng nguồn dự phòng ngân sách đối với những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, bất khả kháng. Ðối với chi ÐTPT, Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, rà soát từng dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ NSNN.
Toàn ngành phải tập trung cho công tác điều hành ngân sách chủ động, tích cực; sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp trong phạm vi dự toán đã được quyết định. Ðối với các địa phương, trong trường hợp giảm thu so với dự toán thì phải chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương. Ðẩy mạnh việc tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả; nâng cao năng lực và chất lượng công tác phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường, chủ động có giải pháp ứng phó có hiệu quả; thực hiện đồng bộ, kiên quyết các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giá, gây biến động giá bất thường, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh…
Trong điều kiện hiện tại, ngành tài chính xác định một trong những giải pháp quan trọng để ngành có những định hướng tốt trong thực thi nhiệm vụ là phải tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách tài chính, về những kết quả đã đạt được để tạo niềm tin và động lực xã hội. Ðồng thời, ngành phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động tài chính – NSNN, tổ chức tốt việc lắng nghe phản hồi của dư luận để điều chỉnh phù hợp, hiệu quả các cơ chế, chính sách tài chính đã ban hành sao cho đáp ứng tốt yêu cầu của đời sống KTXH.
Theo Nhandan
Ý kiến ()