Ðiều hành chính sách vĩ mô
Công nhân Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) điều khiển thiết bị tạo khuôn mẫu chính xác trong chế tạo máy. Ảnh: PHẠM THĂNG Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là kết thúc năm 2012, đây là thời điểm quan trọng để đánh giá, phân tích sâu sắc về tình hình kinh tế đất nước từ đầu năm đến nay, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.Kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắcTốc độ tăng trưởng GDP quý III của cả nước ước đạt khoảng 5,35%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (quý III-2010 tăng 7,18%, quý III-2011 tăng 6,07%). Tuy nhiên, quý III năm nay, mức tăng trưởng GDP vẫn cao hơn các quý trước đó (quý I: 4%; quý II: 4,66%). Tính chung cả chín tháng, GDP tăng 4,73% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,77% của chín tháng năm 2011. Điều đáng lưu ý là nội lực nền kinh tế đang đuối sức dần, đặc biệt là công nghiệp. Chín tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,8%...
Công nhân Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) điều khiển thiết bị tạo khuôn mẫu chính xác trong chế tạo máy. Ảnh: PHẠM THĂNG |
Kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc
Tốc độ tăng trưởng GDP quý III của cả nước ước đạt khoảng 5,35%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (quý III-2010 tăng 7,18%, quý III-2011 tăng 6,07%). Tuy nhiên, quý III năm nay, mức tăng trưởng GDP vẫn cao hơn các quý trước đó (quý I: 4%; quý II: 4,66%). Tính chung cả chín tháng, GDP tăng 4,73% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,77% của chín tháng năm 2011. Điều đáng lưu ý là nội lực nền kinh tế đang đuối sức dần, đặc biệt là công nghiệp. Chín tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,8% so cùng kỳ, mức thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ trong một số ngành công nghiệp tăng thấp hoặc có chiều hướng giảm. Chỉ số tồn kho đến thời điểm 1-9-2012 của ngành công nghiệp vẫn “giẫm chân tại chỗ” khi vẫn tăng 20,4% so cùng kỳ năm trước (tại thời điểm 1-8-2012, chỉ số tồn kho tăng 20,8%).
Vốn đầu tư khu vực nhà nước ước đạt 263,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước, song tác dụng thúc đẩy sức cầu của nền kinh tế dường như chưa đáng kể. Cùng với đầu tư công không tăng, tổng dư nợ tín dụng tám tháng chỉ tăng 1,4% và đây chính là điểm yếu nhất cho nội lực tăng trưởng trong chín tháng qua và cả năm 2012 khi mà nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa chủ yếu vào tăng tín dụng, đầu tư…
Nhìn thẳng vào tình hình kinh tế chín tháng qua, có thể thấy những tồn tại lớn nhất của kinh tế Việt Nam năm 2012 để có giải pháp xử lý cho kế hoạch năm 2013. Đó là kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật sự ổn định bền vững. Vấn đề lạm phát vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn, cơ cấu tăng trưởng đang còn bất hợp lý và lạc hậu. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, lãi suất, đầu tư công… đang là những vấn đề cần giải pháp rất cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, tránh những đột biến lớn xảy ra. Trong suốt năm 2012, chúng ta tập trung điều hành nền kinh tế chủ yếu bằng chính sách tiền tệ, các chính sách tài khóa trên thực tế chưa hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nên chưa phát huy được hiệu quả của việc điều hành này, mà chính sách tiền tệ thì chỉ có tác dụng ngắn hạn. Trong chính sách tài khóa, chủ trương quan trọng là cắt giảm đầu tư công để tập trung vốn cho công trình, hạng mục công trình hiệu quả cao, song việc này thực hiện không triệt để, không nhất quán, không có tiêu chí cắt giảm để thực hiện thống nhất. Chủ trương tiết kiệm trong chi tiêu Chính phủ vẫn chấp hành không nghiêm. Tình trạng lãng phí tiền của Nhà nước vẫn không giảm trong khi nguồn thu ngân sách trong nước giảm mạnh.
Môi trường đầu tư và kinh doanh của chúng ta ngày càng thiếu hấp dẫn, khả năng cạnh tranh yếu. Nhiều giải pháp điều hành của cơ quan nhà nước mang nặng tính tình thế trong năm 2011, năm 2012 và nếu không thay đổi tư duy thì năm 2013 cũng sẽ lặp lại “tình thế”. Điều hành “tình thế” quá lâu làm cho chính sách không ổn định, các doanh nghiệp (DN) không đủ căn cứ để dự báo chiến lược phát triển của mình, từ đó rơi vào hiện tượng không dám làm ăn, đầu tư. Trong nửa đầu năm 2012, nhiều giải pháp, chính sách đề ra rất đúng, được dư luận ủng hộ, song tiến hành không bài bản, nửa vời, do đó chưa phát huy được tác dụng, hiệu quả. Thí dụ: Việc phân loại ngân hàng thương mại để giao chỉ tiêu tín dụng, đây là giải pháp đúng và rất cơ bản, song đến nay không rút kinh nghiệm, không điều chỉnh và cũng không thấy tiếp tục duy trì thế nào? Chủ trương giao vốn xây dựng cơ bản ba năm và tiến tới giao năm năm là chủ trương đúng, làm cho các dự án chủ động phân bổ tiến độ thực hiện nhưng đến nay khi đang chuẩn bị giao kế hoạch năm 2014 thì lại không thấy nhắc đến, không thấy có đề án cụ thể, vì rằng muốn làm được chủ trương này phải kết hợp chặt chẽ Luật Ngân sách và giao chỉ tiêu nhất quán trong hệ thống chỉ tiêu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các vấn đề xử lý nợ xấu, vấn đề mô hình phát triển… đến nay vẫn chưa thống nhất.
Tầm nhìn dài hạn trong điều hành
Để đạt được những mục tiêu từ nay đến cuối năm, trong khuôn khổ điều hành chính sách vĩ mô cần tính toán kỹ lưỡng, chu đáo. Rà soát các quyết định điều hành thời gian qua, điều chỉnh những sai sót hay hậu quả nếu có, nhằm giảm thiểu những rủi ro pháp lý đặc biệt trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Trước mắt, rà soát lại giá cả một số mặt hàng và nhất thiết chưa nên điều chỉnh giá điện, than trong tháng 10 gây tâm lý không tốt. Những địa phương chưa công bố giá, lệ phí y tế cần nghiên cứu lùi thời gian công bố để giảm áp lực tăng giá trong những tháng cuối năm.
Nghiên cứu, tính toán tác động có thể phát sinh sau ngày 25-11-2012 khi các ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố các chính sách liên quan đến lợi ích của người dân cũng như các chủ thể kinh tế khác. Tăng dự phòng thanh khoản, dự phí rủi ro trong các ngân hàng thương mại. Tập trung tháo gỡ khó khăn của thị trường liên ngân hàng để thị trường này đóng vai trò là nơi điều tiết tiền tệ, giải quyết vấn đề thanh khoản tạm thời cho các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để quản lý chất lượng tín dụng trong quá trình giải ngân. Hệ thống xếp hạng tín dụng phải thực hiện một cách khoa học, hiệu quả để sàng lọc, phân loại ngân hàng từ trước khi cấp tín dụng.
Đối với các DN, tiếp tục hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, nghiên cứu hoàn thu thuế đất, mặt bằng sản xuất của một số DN sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực có lợi thế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước. Các cấp chính quyền hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các DN trong giải phóng mặt bằng xây dựng. Đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, FDI theo các thỏa thuận đã cam kết…
Năm 2013 là năm mà rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, nhiều khó khăn phải khắc phục, song, quan trọng là phải lựa chọn mục tiêu hợp lý. Do đó, trong nhiệm vụ tổng quát cần phải thể hiện bằng được những mục tiêu cơ bản của nền kinh tế Việt Nam cần đạt được, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục kiềm chế lạm phát. Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để lấy lại lòng tin của cộng đồng DN cũng như các nhà đầu tư. Đây là mục tiêu quan trọng và cấp bách. Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế theo lộ trình đã được phê duyệt cho năm 2013 và các năm tiếp theo…
Năm 2013, kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, trong điều kiện kinh tế toàn cầu có tín hiệu phục hồi nhẹ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, chúng ta phải tính toán, cân nhắc rất cẩn trọng những chỉ tiêu của kế hoạch. Có thể nói năm 2013 phải tập trung chặn đứng “căn bệnh” của nền kinh tế để năm 2014 và các năm sau có đà phát triển, tạo điều kiện tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó chủ yếu là tái cấu trúc đầu tư công, hướng vào công trình, dự án có hiệu quả cao và đưa vào sử dụng trong năm; sắp xếp lại, đưa hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả hơn mà trước hết là tập trung giải quyết nợ xấu trong các ngân hàng thương mại. Và hơn thế, chúng ta có điều kiện để xây dựng, củng cố thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng “ăn đong” từng hợp đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()