Ðiều hành chính sách giá phải trên cơ sở năng suất lao động
Sáu tháng đầu năm, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Kiểm soát lạm phát được coi là thành công, nhưng cùng với đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Ðây mới chỉ là lạm phát tăng thấp hơn cùng kỳ các năm trước, chưa phải là giảm, hay chưa thể gọi là thiểu phát. Kích cầu đòi hỏi phải có nguồn lực và sẽ dẫn tới nguy cơ tăng nợ công. Cùng với đó là việc tăng dư nợ tín dụng dồn vào cuối năm; việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng; tâm lý thị trường... là những yếu tố tạo sức ép đối với lạm phát. Do vậy, chúng ta vẫn không thể chủ quan, lơ là với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.
Tuy nhiên, phải chú ý các hiệu ứng phụ của những giải pháp kiềm chế lạm phát: tăng trưởng tín dụng thấp xa so với tăng trưởng huy động vốn do người dân vẫn chọn việc gửi tiền vào ngân hàng mà không đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ cũ chưa trả chồng lên nợ xấu, tiêu thụ tăng thấp hơn sản xuất và tồn kho vẫn tăng cao hơn sản xuất… Trong khi đó, Chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn năm 2014 (tăng 5,8%) và phục hồi trong năm 2015 (6 – 6,2%), chống nguy cơ tụt hậu xa hơn, thực hiện mục tiêu tổng quát đến năm 2020… Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế còn để tăng nội lực cộng với đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ làm ăn kinh tế.
Một vấn đề được người dân quan tâm trong điều hành chính sách giá của chúng ta là giá cả phải được xác định trên cơ sở năng suất lao động thì mới bảo đảm tính bền vững của nó. Các yếu tố khác như thị trường thế giới hay điều kiện thời tiết chỉ ảnh hưởng phần nào. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú “sốc” trên thị trường, tác động tiêu cực đời sống người dân cũng như việc ổn định kinh tế vĩ mô. Ðiều quan trọng, cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()