Điều dưỡng và những đóng góp thầm lặng
- Trong công tác khám, chữa bệnh, cùng với các y, bác sĩ thì đội ngũ điều dưỡng là lực lượng không thể thiếu. Sự tận tâm và không quản nhọc nhằn, vất vả cùng những cống hiến âm thầm của điều dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Theo Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế, điều dưỡng (gồm điều dưỡng viên, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y học) là người có trách nhiệm theo dõi, phối hợp các bộ phận y tế khác thực hiện các nội dung chăm sóc người bệnh để đảm bảo sức khỏe tối đa cho người bệnh, giúp chăm sóc, hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc tâm lý, hỗ trợ điều trị, tránh các nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.
Gian nan chuyện nghề
Mỗi ngành, nghề đều có những khó khăn, vất vả riêng. Với nghề điều dưỡng thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các điều dưỡng viên phải đối mặt và vượt qua những khó khăn nhất định.
Cụ thể, theo chiến lược phát triển ngành y tế ở nước ta, tại thời điểm hiện nay, với khoảng 800.000 dân, Lạng Sơn cần phải có 2.080 điều dưỡng tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn tỉnh mới có 1.384 điều dưỡng làm việc ở 14 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện với 2.740 giường bệnh, nghĩa là còn thiếu gần 700 điều dưỡng so với nhu cầu chung, tỷ lệ điều dưỡng trên 1 vạn dân mới đạt 17 điều dưỡng (mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng trên 1 vạn dân). Vì thế mà công việc của mỗi điều dưỡng viên sẽ nặng nề hơn.
Mỗi kíp trực của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng. Với số giường thực kê tại khoa là 35, mỗi điều dưỡng phải chăm lo cho 6 hoặc 7 bệnh nhân. Họ đảm nhận nhiều công việc khác nhau như: tiếp đón bệnh nhân vào khoa hoặc bệnh nhân nặng chuyển từ khoa khác chuyển đến, phụ giúp bác sĩ làm các thủ thuật như đặt ống nội khí quản, đặt xông dạ dày, đặt thông bàng quang và thực hiện y lệnh thuốc (tiêm, truyền), giúp bệnh nhân thay đổi tư thế, thở máy, vỗ rung lồng ngực, hút đờm... Chị Lê Thị Hà, Điều dưỡng trưởng khoa cho biết: Có những đêm nhiều bệnh nhân nặng, cả 5 điều dưỡng của khoa cùng thức trắng để hỗ trợ bác sĩ cấp cứu, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân ở khoa thường là những bệnh nhân nặng, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, điều dưỡng làm việc ở 14/14 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn đều phải chia ca trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh. Công việc này đã trở nên quen thuộc đối với những người làm công tác điều dưỡng. Thậm chí công việc này càng trở nên gian nan, nguy hiểm với những điều dưỡng làm việc trong những khoa như lao phổi, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm vì nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Không những thế, điều dưỡng ở các cơ sở y tế thì phải chăm sóc cùng lúc nhiều người bệnh trong khi mỗi bệnh nhân mỗi tính, có những trường hợp bệnh nhân khó chịu, bất hợp tác thì công việc của người điều dưỡng lại khó thêm bội phần. Vì thế, người làm điều dưỡng không chỉ đòi hỏi chuyên môn tốt, mà còn phải nhẫn nại, tận tâm, hết lòng chăm sóc người bệnh và khéo léo trong xử lý các tình huống.
Điều dưỡng Lương Văn Tô, Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Đình Lập kể: Trong hơn 30 năm công tác, không ít lần, tôi bị người nhà bệnh nhân quát mắng do họ quá lo lắng cho tình trạng sức khỏe của người thân. Gặp những trường hợp này, nếu không có thái độ ứng xử đúng mực thì rất dễ xảy ra xung đột. Tôi và đồng nghiệp đã bình tĩnh giải thích cho họ hiểu để cùng phối hợp chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Theo kinh nghiệm của tôi, với một điều dưỡng viên thì không chỉ trau dồi công tác chuyên môn mà còn phải biết xử lý những tình huống phát sinh với thái độ ôn hòa.
Hết lòng vì người bệnh
Thấu hiểu được công việc nhọc nhằn của nghề điều dưỡng, những năm qua, ngành y tế Lạng Sơn luôn quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ điều dưỡng yên tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ được giao. Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ điều dưỡng, những năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người làm công tác này được nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, định kỳ 2 năm/lần, 14/14 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều tổ chức hội thi điều dưỡng với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau phù hợp với đặc thù công tác của từng đơn vị. Qua đó, khuyến khích đội ngũ điều dưỡng cập nhật kiến thức, phát huy kinh nghiệm, làm tốt hơn công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Về công tác đào tạo, tập huấn, hằng năm, ngành y tế thường xuyên tổ chức các lớp nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều dưỡng. Nội dung tập huấn bao gồm: các kỹ thuật xử trí phản vệ, giao tiếp ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh... Từ năm 2023 đến nay, ngành đã tập huấn về các quy định trong kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn hồi sức sơ sinh ngạt; kỹ năng giao tiếp ứng xử… cho gần 2.000 lượt điều dưỡng viên tham gia.
Với những biện pháp thiết thực đó, đội ngũ làm công tác điều dưỡng ngày càng được nâng cao y đức và chuyên môn nghiệp vụ, góp phần làm tốt nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân. Anh Hoàng Anh Tuấn, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện phổi Lạng Sơn nhớ lại: Ngày 5/3/2024, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân H.C.T. (68 tuổi, ở xã Long Đống, huyện Bắc Sơn) trong tình trạng suy kiệt, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, khó thở, cơ teo, không đi lại được. Qua xét nghiệm, ông T. mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối, suy tim, suy thận, tăng huyết áp, điều trị phức tạp nên ranh giới sống chết lúc ấy rất mong manh. Người nhà ông T. sau nhiều ngày điều trị ở nhiều nơi không đỡ nên lúc đó cũng có tâm lý buông xuôi. Chúng tôi đã cố gắng động viên bệnh nhân và người nhà, giải thích cho họ hiểu là “còn nước còn tát” và chăm sóc ông T với điều kiện tốt nhất. Đến ngày 25/3, ông T. đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện trong sự vui mừng của người nhà và cán bộ ở bệnh viện.
Không chỉ có thế, những năm qua, đội ngũ làm công tác điều dưỡng của ngành y tế Lạng Sơn còn tích cực tìm hiểu hoàn cảnh của từng bệnh nhân để có cách hỗ trợ phù hợp cả về vật chất và tinh thần. Đối với bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điều dưỡng đã phối hợp với các bộ phận khác của bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ những suất cơm, cháo dinh dưỡng miễn phí và kinh phí điều trị bệnh, nhờ đó nhiều hoạt động thiện nguyện đã được diễn ra tại các bệnh viện, giúp nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn trong chăm sóc người nhà bị ốm đau. Ông Hoàng Văn Huồng, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng chia sẻ: Ngày 21/2/2024, hai cháu họ của tôi là Hoàng Thị Hạnh và Hoàng Thị Huê không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng phải nhập viện điều trị. Không chỉ chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho các cháu mà các điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn chia sẻ, động viên, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để các cháu điều trị, vượt qua cơn hoạn nạn. Đến đầu tháng 4/2024, các cháu đã ổn định sức khoẻ và được ra viện.
Nhờ những đóng góp của đội ngũ điều dưỡng, chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Năm 2023, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt trên 92,9%, cao hơn 2,9% so với tỷ lệ bình quân chung của toàn quốc (90%).
Thực tế cho thấy, tuy công việc còn có những áp lực, vất vả nhưng những người làm công tác điều dưỡng ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cùng đội ngũ nhân viên y tế cả nước đã vã đang nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình với tấm lòng bao dung, hết lòng vì người bệnh để góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Ý kiến ()