Ðiều chúng tôi mong muốn ở Ðảng
Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số trồng lúa nước. Xuân này, Đảng ta đã trải qua 82 xuân chèo lái con thuyền đất nước vượt bao sóng gió, đến bến bờ của độc lập, tự do, hạnh phúc. Mỗi mùa xuân qua đi với bao chông gai, thử thách nhưng cũng thêm cơ hội để khẳng định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là đúng đắn, sáng tạo. Ở đó, niềm tin và sự đóng góp của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân làm nên mùa xuân của Đảng.Gặp nhau đầu Xuân Nhâm Thìn, Thiếu tá Hồ Quốc Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Keng Đu hồ hởi thông báo với chúng tôi về không khí Tết ấm no của bà con các dân tộc Thái, Khơ Mú ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An). Năm nay, được mùa nương rẫy lại thêm trâu bò, lợn gà chăn nuôi được, nên khắp các thôn, bản rộn rã tiếng khèn, điệu múa. Keng Đu là xã biên giới khó khăn nhất tỉnh Nghệ An, gồm mười bản...
Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số trồng lúa nước. |
Gặp nhau đầu Xuân Nhâm Thìn, Thiếu tá Hồ Quốc Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Keng Đu hồ hởi thông báo với chúng tôi về không khí Tết ấm no của bà con các dân tộc Thái, Khơ Mú ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An). Năm nay, được mùa nương rẫy lại thêm trâu bò, lợn gà chăn nuôi được, nên khắp các thôn, bản rộn rã tiếng khèn, điệu múa. Keng Đu là xã biên giới khó khăn nhất tỉnh Nghệ An, gồm mười bản người Thái và Khơ Mú sinh sống, với gần mười nghìn nhân khẩu. Giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt và lối sống du canh, du cư đã làm cuộc sống của bà con nơi đây khó khăn mọi mặt. Đóng quân trên địa bàn xã, ngoài nhiệm vụ chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, với trách nhiệm của người đảng viên, Thiếu tá Hồ Quốc Hải và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng quyết tâm giúp bà con thay đổi cuộc sống. Sinh sống trên núi cao, thiếu nước là nỗi khổ bao đời của dân bản, có khi cả bốn tháng trời không có nổi giọt nước mưa; sông suối cạn sạch. Các chiến sĩ đồn Keng Đu đã xẻ rừng, tìm kiếm, khảo sát tất cả các khe, suối và cuối cùng đã tìm được khe nước ngầm nằm trên đỉnh Huổi Chót. Nhiều năm kiên trì, các anh đã dẫn được đường nước dài hơn 10 km, vượt qua núi non hiểm trở về tận bản. Có nước, các anh hướng dẫn bà con trồng lúa nước, rau màu, chăn nuôi gia súc… Bên cạnh đó, các anh còn cử một đồng chí sĩ quan về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã để góp sức củng cố, nâng cao hoạt động hệ thống chính trị xã; thành lập trạm quân dân y khám, chữa bệnh và dạy học xóa mù chữ cho bà con. Tết năm nay, nhờ đồn biên phòng, Đảng ủy xã triển khai mở rộng diện tích trồng cây cánh kiến, loại cây đã giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu như gia đình anh Lữ Bá Tiến, thu nhập cả trăm triệu đồng. Với người dân bản, những chiến sĩ biên phòng là đại diện của Đảng, Nhà nước, đã mang ấm no, hạnh phúc lên đỉnh núi cao. Bà con Keng Đu tin tưởng và nhờ các anh chuyển lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã giúp bà con thoát khỏi cuộc sống du canh, du cư, đói nghèo tồn tại bao đời. Còn với Thiếu tá Hồ Quốc Hải và các đồng chí trong Đảng ủy Đồn Biên phòng Keng Đu thì mong muốn Đảng quan tâm hơn nữa đến đồng bào nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa để khu vực biên cương Tổ quốc càng thêm giàu mạnh, vững chắc.
Dành những lời tâm huyết, đồng chí Trần Thanh Huân, Đại sứ nước ta tại Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la, luôn tin tưởng, một trong những phương pháp lãnh đạo đã rất thành công của Đảng ta là phát động các phong trào quần chúng, tập hợp, quy tụ sức mạnh toàn dân, thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Điều này đã được minh chứng qua bao mốc son chói lọi của Đảng trong suốt hơn 80 năm. Thời gian qua, Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, do Đảng phát động, đã được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Người Việt Nam đang công tác, học tập, lao động ở Vê-nê-xu-ê-la học tập và làm theo Bác Hồ bằng tình cảm và hành động cụ thể; góp phần củng cố sâu sắc thêm tình cảm yêu mến của nhân dân Vê-nê-xu-ê-la với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đang chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm suy yếu đội ngũ của Đảng, xói mòn niềm tin của nhân dân. Theo đồng chí Trần Thanh Huân cũng như nhiều cán bộ, đảng viên Việt Nam đang công tác, học tập ở nước ngoài, mong muốn những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, được đặt ra tại Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) sẽ được giải quyết triệt để, trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn Đảng, nhằm ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, củng cố thêm niềm tin, tạo sức mạnh toàn diện cho Đảng.
Gần trọn đời người cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, đồng chí Dương Văn Nam, Bí thư chi bộ 6 – Liên Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản, Nam Định) tâm sự, là sĩ quan quân đội về hưu, nhận công tác đảng ở địa phương từ năm 1988 đến nay, đồng chí vẫn một lòng tin vào Đảng và làm tròn nhiệm vụ của đảng viên, như lời hứa dưới ngọn cờ Đảng ngày nào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sau hơn 25 năm đổi mới, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đường lối của Đảng đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Ở các vùng quê, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới làm đời sống người dân mỗi ngày một khởi sắc. Các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm phát triển, mỗi ngày thêm khang trang… Và cũng từ đáy lòng, với tâm huyết của một đảng viên cao tuổi, đồng chí không khỏi băn khoăn về đội ngũ đảng viên ở các vùng nông thôn đang ngày càng “già hóa”, công tác kết nạp đảng viên khu vực nông nghiệp khó khăn vì thiếu nguồn, do lực lượng lao động trẻ, có năng lực phần lớn đều “ly hương” tìm công ăn việc làm ở những đô thị, khu công nghiệp, hay đi làm thuê khắp nơi. Đó là một trong những lý do làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng khu vực nông thôn. Đồng chí cũng mong muốn Đảng có thêm những quyết sách mới để kéo gần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, để người trẻ yên tâm gắn bó và xây dựng quê hương.
Từ huyện vùng cao Sa Pa (Lào Cai), anh Vàng A San, 29 tuổi, dân tộc Mông, Hội trưởng Hội Nông dân xã San Sả Hồ bày tỏ những tình cảm mộc mạc khi nói về Đảng, qua cách suy nghĩ giản dị và những việc làm cụ thể của người cán bộ cơ sở. Anh tâm sự: “Nhờ có Đảng mà người Mông mình biết đọc, biết viết, biết làm kinh tế. Trước đây, trong nhà có người đau ốm chỉ biết mời thầy về cúng ma, nay người Mông nghe lời cán bộ, đến các cơ sở y tế chữa bệnh, trẻ con được đến trường. Cũng nhờ có Đảng nên mình được đi học trung cấp, về làm cán bộ xã đã hơn một năm. Được học nhiều, biết ra nhiều để hướng dẫn dân bản hiểu và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không nghe theo kẻ xấu, tập trung làm kinh tế để thoát nghèo. Đời sống dân bản hiện nay cũng khá lên nhờ thảo quả và nghề truyền thống, thu nhập trung bình của gia đình mình khoảng 40 đến 50 triệu đồng/năm, nên cố cho các cháu học hành đầy đủ. Mình phải làm gương, để vận động bà con làm theo”. Anh tin và người bản Cát Cát của anh cũng tin, theo Đảng, người Mông sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chiều cuối đông ở vùng cao, trong cái lạnh như cắt da thịt, anh lại đến từng nhà thông báo: Sáng mai nhớ đi họp thôn đầy đủ, đúng giờ, để bàn kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()