Điều chỉnh việc dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc tạm dừng đến trường là nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh. Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, các cơ sở giáo dục đã nhanh chóng kích hoạt việc học trực tuyến, tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh, nhất là thời điểm cuối học kỳ II để nỗ lực hoàn thành chương trình học chất lượng, đúng tiến độ.
Những đợt dịch trước, cả giáo viên và học sinh còn gặp khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến thì đến nay, việc học trực tuyến đã được các trường, giáo viên và học sinh chuẩn bị tâm thế chủ động và sẵn sàng. Ðối với bậc tiểu học, nhất là các lớp 1, 2, 3, việc học trực tuyến nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội nhiều nhất bởi đây là lứa tuổi còn nhỏ, khó tập trung, cần sự quan tâm, hỗ trợ của phụ huynh học sinh và giáo viên. Cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Nhà trường bố trí giờ học trực tuyến cho học sinh khối lớp 1 vào buổi tối để phụ huynh học sinh đồng hành, hỗ trợ các con trong học tập. Thời gian học mỗi ngày chỉ kéo dài tối đa ba tiết và có giờ nghỉ giải lao để các con cảm thấy thoải mái, không bị mệt mỏi và ảnh hưởng tới thị lực khi tiếp xúc nhiều với máy tính. Chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh có con đang học lớp 1 Trường tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Những đợt dịch đầu tiên, nhà trường áp dụng hình thức học trực tuyến, cả mẹ và con vất vả, nhưng đến nay, chỉ cần mẹ hỗ trợ thao tác nhập tài khoản, còn con đã tự giác ngồi học từ đầu đến cuối giờ, không cần có mẹ ngồi bên cạnh.
Có thể nhận thấy, việc học trực tuyến không còn gây trở ngại cho học sinh, tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường chưa hoàn tất việc kiểm tra cuối học kỳ II, nhiều địa phương đã phải đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, điều chỉnh khung thời gian năm học hoặc kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Tại một số địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh kế hoạch kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II nhưng bảo đảm chất lượng và phù hợp năng lực học sinh. Theo văn bản hướng dẫn của Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc về việc tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông học kỳ II, căn cứ điều kiện thực tế, lãnh đạo các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện rà soát, phân loại học sinh đáp ứng về phương tiện, đường truyền để quyết định lựa chọn; tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc thông qua vấn đáp trực tiếp qua điện thoại nếu không đáp ứng được việc kiểm tra trực tuyến. Còn ở Hà Nội, UBND thành phố cho phép điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2020 – 2021. Theo đó, các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên nghỉ hè sớm, bắt đầu từ ngày 15-5. Nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 còn lại sẽ thực hiện vào thời gian nghỉ hè khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường tiếp tục học tập. Ðể bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực từng học sinh, Sở GD và ÐT Hà Nội đề xuất phương án đối với cơ sở giáo dục có các khối lớp chưa hoàn thành kiểm tra học kỳ II sẽ tiến hành trực tiếp tại các cơ sở giáo dục khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Sở GD và ÐT Hà Nội, nhà trường đã triển khai xây dựng kế hoạch ôn tập, kiểm tra đánh giá học sinh trên tinh thần hài hòa, nhẹ nhàng, không áp lực cho học sinh. Ðồng thời, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi kế hoạch đến phụ huynh để chủ động ôn tập cho các con trong thời gian nghỉ hè, để đến khi quay trở lại trường sẵn sàng học tập, kiểm tra. Cô giáo Phạm Thị Yến, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Ðịnh) chia sẻ: Nhà trường đã hoàn tất việc kiểm tra cuối học kỳ II cho học sinh các khối, tuy nhiên, trong thời gian nghỉ phòng dịch, để học sinh không quên những kiến thức đã học, giáo viên đã chủ động lên kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Cụ thể như đối với môn Tiếng Việt, giáo viên giao cho các con đọc truyện để rèn kỹ năng đọc hiểu. Ðồng thời, quay lại clíp có sự hỗ trợ của phụ huynh để kể lại con đã học được gì qua câu chuyện đấy. Ðối với môn Toán, mỗi ngày các con làm một đề để không quên kiến thức đã học.
Theo Bộ GD và ÐT, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến còn mới, do đó việc chuẩn bị cần chu đáo để đáp ứng được các yêu cầu quy định. Nhà trường phải tính toán phương án có thể giám sát được quá trình làm bài để bảo đảm quá trình làm bài đó là của học sinh, đúng thời gian quy định, nhằm đánh giá đúng năng lực của các em đồng thời bảo đảm sự công bằng. Hiện, tình hình dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp, các nhà trường nên linh hoạt điều chỉnh lịch ôn tập, kiểm tra, đánh giá định kỳ của đơn vị mình.
Ý kiến ()