Điều chỉnh tỷ giá là cần thiết
Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, việc điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam và USD đã được tiên liệu từ trước khi chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết trên thị trường chính thức và thị trường tự do có lúc lên đến gần 10%. Lần điều chỉnh tỷ giá mạnh tay này với mức tăng 9,3% đã tạo điều kiện đưa tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng sát hơn với cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đây cũng là lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lớn nhất từ năm 1993 trở lại đây. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là điều cần làm, còn chuyên gia Nguyễn Quang A trao đổi với báo giới cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này giúp tỷ giá chính thức sát tỷ giá thật hơn, người mua và người bán sẽ minh bạch với nhau hơn. Chuyện giao dịch USD nằm ngoài hệ thống ngân hàng hay ngân hàng thương mại chỉ làm 'môi giới' cho thị trường này như mấy tháng qua sẽ được cải thiện đáng kể. Giao dịch minh bạch hơn, ngân hàng đỡ 'vi phạm' hơn, các cơ hội làm ăn 'bất chính' giảm đi, người có USD bán được giá tốt hơn và có động lực để bán cho ngân hàng hơn thay vì 'găm' lại…
Phản ứng trước động thái này của Ngân hàng Nhà nước, phần lớn các doanh nghiệp (DN) đều thể hiện mong muốn trên thị trường chỉ có một tỷ giá minh bạch và ngân hàng có đủ nguồn ngoại tệ để đáp ứng cho DN vì thực tế trước khi có sự điều chỉnh này, các DN đã phải chấp nhận giao dịch ở mức giá ngoài chợ 'đen'. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho biết, trước động thái tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, phản ứng của các DN thép nhìn chung không có gì bất ngờ. Sở dĩ như vậy vì trước đó, các DN đều giao dịch hầu hết theo tỷ giá trên thị trường tự do. Trên thực tế, ngành thép phải nhập khẩu nhiều loại nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, như phôi thép (gần 40%), thép phế (khoảng 70%), điện cực (100%), than mỡ để luyện cốc… Tất cả các nguyên liệu nhập khẩu đều phải sử dụng USD, cho nên việc tăng tỷ giá sát mức thị trường tự do của Ngân hàng Nhà nước được các DN thuộc ngành thép đánh giá là động thái tích cực, khiến giao dịch trên thị trường thêm công khai, minh bạch. Tuy nhiên, một số DN thép cũng phản ánh khó khăn của việc tăng tỷ giá đối với các dự án đến kỳ trả nợ. Trước đây, khi đầu tư vay vốn, tỷ giá chỉ khoảng 18 – 19 nghìn đồng/USD, nay tăng lên hơn 20 nghìn đồng/USD, sẽ đội vốn dự án, gây khó khăn nhất định cho nhà đầu tư. VSA cũng đề nghị Nhà nước tiếp tục có biện pháp thích hợp điều hành tỷ giá, không để chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và liên ngân hàng quá lớn.
Những cảnh báo cần lưu ý
Việc điều chỉnh tỷ giá có những mặt tích cực góp phần ổn định thị trường ngoại tệ song bất cứ chính sách nào cũng có những mặt trái cần phải đối phó. Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội), việc điều chỉnh tỷ giá này có thể làm tăng giá của hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu, do đó làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, từ đó có thể gia tăng áp lực lạm phát cung – cầu và chi phí đẩy; đồng thời, có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất… Bên cạnh đó cũng cần kiểm soát giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nhập khẩu nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc tăng tỷ giá để tăng giá theo kiểu 'té nước theo mưa'. Những diễn biến kinh tế thế giới trong thời gian qua cho thấy, trong năm 2011, giá cả nhiều hàng hóa trên thế giới có khả năng tăng rất cao. Điều này sẽ gây bất lợi cho Việt Nam vì làm cho nhập siêu thêm trầm trọng hơn và lạm phát sẽ trở nên khó lường hơn do hiệu ứng chi phí đẩy. TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính) nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này sẽ không tác động nhiều đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 2 bởi thời điểm để tính CPI của tháng 2 thường kết thúc vào ngày 15-2. Vì vậy, việc tăng tỷ giá lần này sẽ dồn ảnh hưởng sang CPI của tháng 3-2011. Trong khi đó, dự kiến, giá điện sẽ tăng từ đầu tháng 3. Như vậy, CPI của tháng 3 sẽ khó giữ ở mức thấp và mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm nay trở nên khó khăn hơn nhiều. Để kiềm chế lạm phát, một loạt các biện pháp đã được Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, cần chú ý biện pháp thắt chặt tiền tệ, nếu làm chặt quá sẽ gây khó khăn cho các DN trong việc thiếu vốn phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề lạm phát sẽ bớt gay gắt hơn chừng nào nền kinh tế được tái cơ cấu một cách triệt để theo hướng tăng giá trị gia tăng ở trong nước, các DN hoạt động hiệu quả hơn. Điều chỉnh tỷ giá cũng có thể thúc đẩy việc tái cơ cấu, nếu đi cùng với các biện pháp khác như cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ bao cấp hay ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, thắt chặt chi tiêu công, cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả…
Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt
Chuyên gia Huỳnh Thế Du cho rằng, vấn đề lúc này là làm sao để tránh kỳ vọng tiền đồng tiếp tục bị mất giá và hệ thống hai tỷ giá khi mà mức chênh lệch giữa thị trường chính thức và thị trường tự do lại tiếp tục có dấu hiệu doãng ra lên đến 2,5%. Điều này phụ thuộc vào các chính sách ứng phó với lạm phát, thâm hụt thương mại và dòng vốn từ bên ngoài trong thời gian tới. Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chỉ điều chỉnh tỷ giá không thôi là chưa đủ và chỉ có kết quả hạn chế. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp đồng bộ, không chỉ điều chỉnh tỷ giá, mà trước hết là cắt giảm bội chi ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, phải kiểm soát việc đầu tư và tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Bộ Công thương cần tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, nhất là hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, rào cản để đẩy mạnh thu hút và giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…
Ngân hàng Nhà nước cần tập trung bảo đảm nguồn cung USD cho các DN. Tháo gỡ khó khăn cho các DN có nhu cầu USD để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, tránh gây áp lực tăng giá cho các DN. Đối với Ngân hàng Nhà nước, khi đã chấp nhận mức điều chỉnh mạnh tay để đưa được tỷ giá về đúng giá trị thật, cần phải có những bước điều chỉnh linh hoạt hơn nữa để có điều kiện xử lý việc mua bán ngoại tệ trên thị trường chính thức một cách lành mạnh, tiến tới xóa bỏ thị trường ngoại tệ tự do.
Một yếu tố quan trọng cần được nói đến đó là cần siết chặt kỷ luật thông tin trên thị trường, tránh gây áp lực tâm lý xã hội không đáng có như thời gian vừa qua.
Ý kiến ()