Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải nằm trong “bài toán” tổng thể
Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Có thể thấy, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu luôn là bài toán khó đối với bất cứ quốc gia nào, bởi việc điều chỉnh này cần phải đặt trong tổng thể việc điều tiết vĩ mô các chính sách lao động, việc làm, các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội…
Cần hiểu rõ khái niệm “nghỉ hưu” và “hưởng hưu”
Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã đưa ra một điểm mới, rất tiến bộ, đó là khái niệm “tuổi hưởng hưu” mà không dùng khái niệm “tuổi nghỉ hưu”, đây là vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đề cập nhiều năm nay. Theo đó, tuổi hưởng hưu là độ tuổi mà người lao động sau một thời gian làm việc và tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo quy định hiện nay là 25 năm đối với nữ và 30 đối với nam, thì người lao động có quyền yêu cầu hưởng lương hưu. Còn tuổi nghỉ hưu là trần tuổi làm việc theo luật định, thí dụ, trong đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động của Chính phủ lần này là 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Trên thực tế, tuổi về hưu của một nghề không phải lúc nào cũng đồng nhất với tuổi về hưu của một đời người. Chính vì thế, việc xác định tuổi nghỉ hưu của một nghề là việc làm rất quan trọng, nhằm tạo tâm thế cho người lao động, người sử dụng lao động và xã hội trong lĩnh vực chuyển đổi nghề khi biết được ngưỡng tuổi nghỉ hưu, nhất là đối với một số nghề đặc thù.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, chúng ta cần phân biệt tuổi nghề với tuổi hưu. Tuổi hưu là những quy định để anh đủ điều kiện để hưởng chính sách của Nhà nước, để hưởng BHXH. Còn tuổi nghề thì khác, có nghề làm trong thời gian ngắn, có nghề làm dài. Chẳng hạn, những nghề như: xiếc hay bóng đá, bóng chuyền thì người ta chỉ làm được trong thời gian ngắn, sau đó được đào tạo để chuyển công việc khác, như vậy, tuổi nghề gắn với tính chất công việc. Nhưng cũng có người khi thôi làm quản lý vẫn có thể tiếp tục hành nghề chuyên môn… Chúng ta cần hiểu một cách đầy đủ về sự cần thiết của việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam, 60 đối với nữ, đây là quy định tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Còn người lao động trong trường hợp: suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Hiện, trong chính sách đang thiết kế, thậm chí là có thể có những người nghỉ ở độ tuổi 50, như một người lao động trong ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, lại bị suy giảm sức khỏe nữa thì sẽ phải nghỉ sớm hơn nữa. “Chúng tôi cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực đang thu hút lực lượng lớn lao động như: da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Chính sách lần này cũng được thiết kế theo hướng “quyền được nghỉ hưu” thay vì quy định “có thể được nghỉ hưu”, tức là người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn, họ có thể nghỉ hưu khi đã đủ thời gian đóng BHXH, hoặc nếu chưa đủ tuổi vẫn có thể nghỉ để chờ hưu và hưởng chính sách theo quy định. Như vậy, chính sách không “bắt cứng” người lao động phải đủ tuổi, đủ năm đóng BHXH mới được nghỉ hưu, mà có thể lựa chọn, quyết định thời điểm “nghỉ hưu” của mình.
Không chuyển gánh nặng sang thế hệ sau
Với quan điểm hướng tới BHXH toàn dân, mở rộng sàn an sinh xã hội để tất cả những người hết tuổi lao động đều có lương hưu và từng bước cải thiện đời sống người nghỉ hưu, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều định hướng chỉ đạo lớn, trong đó có vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung. Có thể thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được Nghị quyết 28 đặt vấn đề rất rõ, mục đích của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm, bảo đảm sự bền vững và căn cứ rất nhiều các mục tiêu khác như bảo đảm sự bền vững của quỹ BHXH về lâu dài, vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới…
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có một tầm nhìn dài nhưng phải hành động mau lẹ để tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở thời điểm này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải nhìn vào thực tế là, Việt Nam bây giờ không phải là đỉnh cao của dân số vàng mà đang chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Chúng ta cũng phải làm rõ, không có chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. “Đây chính là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau, mà ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Theo thống kê, Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019). Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 là 55 triệu lao động. Sau 5 năm tăng thêm khoảng hai triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400 nghìn lao động. Điều đó cho thấy, lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, song có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 nghìn người. Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi chúng ta đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số. Và việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và giải quyết song song với nhiều luật khác, nhiều chính sách khác, điều chỉnh cả về bảo hiểm, điều chỉnh về việc làm, thị trường lao động, chứ không phải chỉ có Bộ luật Lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()