Điều chỉnh tăng thêm hơn 300 nghìn ha đất nông nghiệp đến năm 2020
Sáng 9-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia với 428/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 86,64% tổng số đại biểu).
Nghị quyết xác định mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự báo; tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Trên cơ sở đó, được điều chỉnh như sau: Nhóm đất nông nghiệp, gồm: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 27.038,09 nghìn ha, tăng 306,33 nghìn ha so với quy hoạch đến năm 2020 theo Nghị quyết số 17/2011/QH13.
Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, gồm: đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp và đất phát triển hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 4.780,24 nghìn ha, giảm 100,08 nghìn ha so với quy hoạch đến năm 2020 theo Nghị quyết số 17/2011/QH13.
Đối với đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế và đất đô thị được quy hoạch sử dụng đến năm 2020 lần lượt là 3,63 nghìn ha, 1.582,96 nghìn ha, và 1.941,74 nghìn ha.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Từ ngày 24-3 và 1-4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường về Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
Theo đó, có ý kiến tán thành việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất nhưng không chuyển đất rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng chắn cát, chắn sóng ven biển sang đất rừng sản xuất; tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển, ven sông để bảo vệ nguồn nước; có ý kiến đề nghị không chuyển đổi 1.100 nghìn ha đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2016-2020 vẫn bảo vệ khoảng 4.400 nghìn ha rừng phòng hộ hiện có, phục hồi và trồng mới khoảng 240 nghìn ha tại các khu vực đầu nguồn xung yếu, các lưu vực sông, khu vực ven biển, khu vực biên giới và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Trong đó, bảo vệ 310 nghìn ha hiện hữu, phục hồi 9,6 nghìn ha và trồng mới 46 nghìn ha rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, chống cát bay, lấn biển và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với 1,1 triệu ha chuyển sang rừng sản xuất chủ yếu là diện tích đất quy hoạch để trồng rừng, đất khoanh nuôi tại các khu vực ít xung yếu thuộc các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, các tỉnh Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, góp phần cải thiện môi trường và giải quyết việc thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng di cư không theo quy hoạch như hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng quy chế riêng với các tiêu chí cụ thể để quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt phần diện tích chuyển đổi này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết quy định không cho phép chuyển đất rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng chắn cát, chắn sóng ven biển sang đất rừng sản xuất. Một số ý kiến đề nghị giữ diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và rà soát làm rõ tác động của biến đổi khí hậu tới diện tích đất trồng lúa cũng như có ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây hằng năm khác sẽ khó khăn khi trở lại trồng lúa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ven biển miền trung và đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện canh tác sản xuất lúa. Thực tế đòi hỏi phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất lúa còn lại đã được tính toán trên cơ sở khoa học để bảo đảm an ninh lương thực với tầm nhìn dài hạn.
Cùng với điều chỉnh này và diễn biến thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 về quản lý, sử dụng đất lúa. Dự kiến có 400 nghìn ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm như: ngô, lạc, đậu tương, rau, hoa… khi cần thiết diện tích này có thể quay lại trồng lúa được. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho điều chỉnh diện tích đất trồng lúa như dự thảo Nghị quyết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()