Điều chỉnh phạm vi, quy mô Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn: Phát huy lợi thế khu kinh tế cửa khẩu
(LSO) – Sau 10 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn cũng còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, việc điều chỉnh phạm vi, quy mô Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là cần thiết.
Cửa khẩu Chi Ma được đầu tư, mở rộng
Ông Nông Hải Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh – Cốc Nam cho biết: Hiện tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh đan xen các khu thương mại, hành chính và cả khu dân cư. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu chức năng. Không những vậy, việc đan xen khu dân cư cũng ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Do vậy, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu cửa khẩu này, thì việc điều phạm vi, quy mô Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, trong đó có khu vực cửa khẩu Tân Thanh là cần thiết.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ngoài hạn chế như tồn tại tại cửa khẩu Tân Thanh, thì Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn với phạm vi bao trùm cả thành phố Lạng Sơn, một số xã, thị trấn các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng, nên việc áp dụng cơ chế ưu đãi khó thực thi. Bởi các dự án đầu tư vào khu kinh tế này chủ yếu tập trung đầu tư khu vực địa bàn thành phố, nên chưa phát huy hết được tiềm năng thế mạnh của các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu không nằm trong Khu KTCK. Cùng đó, hiện tại các khu chức năng được quy hoạch xây dựng trong Khu KTCK không xác định rõ về chức năng, tính chất hoạt động…Ngoài ra, với phạm vi lớn, bao trùm nhiều đơn vị quản lý hành chính Nhà nước, do vậy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn chưa được làm rõ, còn trùng lấn với chức năng quản lý nhà nước của UBND cấp huyện, cấp xã và một số sở, ngành cấp tỉnh.
Trong tháng 4/2018, tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu rõ những hạn chế và cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn. Trong đó, việc điều chỉnh phạm vi, quy mô Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn là cần thiết nhưng phải phù hợp với thực tiễn quản lý.
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh chưa ổn định, bên Trung Quốc lại thay đổi chính sách biên mậu thường xuyên như giờ giấc làm việc để thông quan, chưa bố trí đầy đủ lực lượng để làm việc tại các cặp chợ, lối mở; các địa điểm giao nhận hàng hóa cũng luôn thay đổi… Cùng với đó là những tồn tại như: việc một số chính sách ưu đãi đối với Khu KTCK không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; chất lượng một số quy hoạch không cao, thiếu đồng bộ nên triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, bất cập phải điều chỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được tập trung đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…
Với những tồn tại và hạn chế này, thì việc điều chỉnh phạm vi, quy mô Khu KTCK là cần thiết để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới đây. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành rà soát, xây dựng Đề án điều chỉnh phạm vi Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho phù hợp với thực tế để phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển kinh tế – xã hội 21 xã, trị trấn biên giới. Sau khi Đề án hoàn thiện sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình tính toán, điều chỉnh phạm vi, quy mô Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện theo hướng tách địa bàn thành phố Lạng Sơn và một số xã nội địa thuộc huyện Cao Lộc, Chi Lăng và Văn Quan ra khỏi phạm vi khu KTCK, đồng thời bổ sung các xã có cửa khẩu phụ của 5 huyện biên giới vào phạm vi khu KTCK. Đây là hướng phù hợp với xu thế phát triển, đặc biệt, khi bổ sung các xã biên giới có cửa khẩu phụ vào phạm vi khu KTCK, việc đầu tư phát triển hạ tầng khu vực này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của các xã biên giới này. Cùng đó, những định hướng phát triển cụ thể trong đề án như: phát triển các khu chức năng, các nhóm ngành lĩnh vực (du lịch, dịch vụ, công nghiệp…), cùng đó là định hướng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới các xã biên giới… sẽ giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Khu KTCK.
Ý kiến ()