Phóng viên (PV): Được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đồng chí có thể cho biết một số nét chính của dự án?
Đồng chí Đào Văn Chiến:Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nhanh cơ sở hạ tầng giao thông tại các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có khu vực Bắc Bộ, trong điều kiện ngân sách hạn chế và nợ công có xu hướng tăng cao, Đảng và Chính phủ đã có chính sách xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã giao VIDIFI làm chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), trong đó, VIDIFI được quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 đến hết thời gian kinh doanh BOT để bảo đảm giao thông quốc lộ 5 và thu hồi vốn đầu tư dự án.
Từ tháng 12-2015 (sau bảy năm triển khai xây dựng), đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được đưa vào khai thác toàn tuyến. Hiện nay, mỗi ngày có gần 20.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc này; bước đầu đã giảm tải cho quốc lộ 5 và khẳng định vai trò là một trong những tuyến đường tạo động lực phát triển chính cho khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuyến đường được thiết kế với sáu làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/h. Trước đây trung bình đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng phải mất từ 2,5 đến 3 giờ, thì nay chỉ mất từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút…
PV: Sau hơn ba tháng đi vào hoạt động, đơn vị đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đào Văn Chiến:Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ cho áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm để chủ đầu tư có cơ sở huy động vốn đầu tư và hoàn vốn theo thời gian dự án BOT đã được phê duyệt. Cụ thể: Chính phủ sẽ cấp 4.000 tỷ đồng để hoàn trả kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ 100 triệu USD vay Ngân hàng phát triển Đức (KFW) giúp VIDIFI cân đối tài chính. Tuy nhiên cho đến nay, do ngân sách khó khăn nên hai nguồn tài chính quan trọng này vẫn chưa được cấp cho VIDIFI. Tiền vay thì VIDIFI phải trả nên chưa trả lãi gốc phải gánh cả lãi “con”. Những khó khăn đó chúng tôi đã báo cáo các bộ, ngành liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, thực hiện quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đáng lẽ VIDIFI phải tăng phí sớm hơn, nhưng đến nay VIDIFI cũng chưa điều chỉnh được mức thu phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và hai trạm thu phí trên quốc lộ 5.
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về lộ trình tăng phí cũng như cơ sở pháp lý của việc tăng mức thu phí lần này?
Đồng chí Đào Văn Chiến:Theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, VIDIFI được tăng phí quốc lộ 5 và đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo đúng mức phí được điều chỉnh thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1-6-2015 và giai đoạn 2 từ 1-1-2016. Nhưng đến mãi ngày 1-12-2015 mới tăng đợt 1 và đến ngày 1-4-2016 mới tăng đợt 2.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2016, VIDIFI sẽ điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ đối với hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 theo quy định tại Thông tư số 153/2015/TT – BTC ngày 2-10-2015 của Bộ Tài chính và đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo phương án tài chính đã được các bộ, ngành phê duyệt.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam và VIDIFI đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không vì mục tiêu lợi nhuận và đã cố gắng hết sức để xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao, giúp thu hồi một phần vốn để có thể thu phí ở mức hợp lý. Tuy nhiên, để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng cải tạo quốc lộ 5 và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ thêm cho dự án, cho nên việc tăng phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 là không thể không thực hiện. Dù tăng phí song mức phí trên quốc lộ 5 cũng chỉ trong giới hạn cho phép của Nhà nước và mức phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng tương đương với mức phí hiện nay ở một số nước ASEAN, tương đương với mức phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Sau khi tăng phí, tổng mức thu phí của cả hai con đường cũng chưa đạt 50% số tiền phải trả lãi ngân hàng hằng tháng.
Chúng tôi xin khẳng định việc điều chỉnh tăng phí được tuân thủ theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để sau 30 năm có thể thu hồi được vốn đầu tư dự án. Thực hiện đúng phương án tài chính cũng là điều kiện cần để có thể chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho các đối tác, sớm thu hồi vốn trả cho ngân hàng và chuyển giao lại đường cho Nhà nước. Để thực hiện lộ trình tăng phí, ngoài nỗ lực của đơn vị, chúng tôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành hữu quan như: Giao thông vận tải, Tài chính, Công an, sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền các địa phương nơi tuyến đường đi qua như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là tình trạng xe trốn trạm thu phí đang diễn ra hằng ngày trên các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, phá nát hạ tầng giao thông của các địa phương, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Để có tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng Bắc Bộ và bảo đảm giao thông, chất lượng khai thác cho quốc lộ 5, VIDIFI rất mong nhận được sự chia sẻ của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị về lộ trình tăng phí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đây là lần tăng phí “nóng” cuối cùng của Dự án này. Các năm sau, mức phí sẽ tăng giảm theo chỉ số CPI tăng, giảm hằng năm.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ý kiến ()