Điều chỉnh Luật để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, người lao động và các đại biểu Quốc hội (QH) ngay trong những ngày đầu làm việc của kỳ họp thứ chín, QH khóa XIII là việc xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Luật chưa có hiệu lực trong thực tế nhưng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm bởi QH đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong những năm tới là công tác xây dựng pháp luật.
Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH thì người lao động sẽ có nhiều lợi ích hơn như: Khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu. Trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Khi người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng thì quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.
Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 đang chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía nam đã đình công tập thể, kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006. Theo đó, từ ngày 26-3-2015, công nhân của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc), có trụ sở tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh như: Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60. Sau khi sự việc xảy ra, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương khác đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định tình hình và tuyên truyền, vận động để người lao động sớm trở lại làm việc.
Nhưng, vấn đề người lao động băn khoăn, bức xúc thì phải có sự trả lời, giải đáp kịp thời, hợp lý!
Theo quy định tại Luật BHXH năm 2006 thì người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết BHXH một lần.
Việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp BHXH một lần tuy tạo điều kiện linh hoạt cho người lao động lựa chọn, nhưng chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Tại diễn đàn QH, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt mà chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn.
Xuất phát từ những căn cứ nêu trên, Chính phủ báo cáo QH xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Bên hành lang kỳ họp QH, trao đổi với các phóng viên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết: Trong ngành dệt may, da giày, có trường hợp chủ sử dụng lao động muốn lao động trẻ, khỏe hơn, cho nên thường chấm dứt hợp đồng lao động sau một thời gian sử dụng công nhân. Công nhân ra ngoài không xin được việc làm, cho nên buộc lòng phải lấy khoản tiền BHXH để mưu sinh, tìm việc khác. Cực chẳng đã người lao động mới nhận một lần, vì vậy luật nên để cho người lao động có quyền lựa chọn. Trong thực tế, đa số muốn nghỉ hưu nhưng vẫn có thu nhập ổn định. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Tiền lương BHXH như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm… Có người nói rằng, đóng BHXH không may bị chết thì không được hưởng là hoàn toàn không đúng. Người lao động sẽ được trả hết. Nếu không may chết vẫn được 10 tháng lương mai táng phí, thân nhân của người chết vẫn được hưởng tiền tuất một lần, hoặc tiền tuất hằng tháng nếu bố mẹ hết tuổi lao động và con dưới 18 tháng tuổi. Tiền này dù sống hay chết, người lao động đã đóng thì được hưởng.
Vấn đề cần suy nghĩ từ việc điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 là công tác xây dựng pháp luật cần được triển khai cụ thể hơn, sâu sát hơn. Khi xây dựng luật, các cơ quan liên quan cần đề cao việc khảo sát, tìm hiểu cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật. Việc tranh luận những nội dung, điều khoản còn ý kiến khác nhau tại các kỳ họp QH cần đổi mới mạnh mẽ hơn, dành nhiều thời gian phân tích hơn để các vấn đề được xem xét kỹ lưỡng, cụ thể. Trong thời gian tới, cần tiếp tục giải thích cho người lao động hiểu những điểm ưu việt khi tiếp tục tham gia BHXH để từ đó có lựa chọn có lợi nhất cho mình. Công tác tuyên truyền Luật BHXH cùng những điểm mới mang tính nhân văn cần được đẩy mạnh hơn nữa về cả chiều rộng và chiều sâu. Việc tuyên truyền không đơn thuần chỉ là nhắc lại quy định mới, mà cần chỉ rõ cho người lao động, chủ sử dụng lao động biết tại sao có những quy định mới và có ưu điểm, có lợi hơn cho người lao động như thế nào so với điều luật cũ… Từ đó, dành quyền lựa chọn cho người lao động.
Nhiều đại biểu QH cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh Điều 60 để đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận người lao động. Việc sửa đổi lần này thể hiện một điều, nếu như đạo luật chưa đáp ứng được thực tế, thì cần sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của người dân, xã hội, không thể nói là sai hay đúng. Xây dựng luật, nếu thấy chưa phù hợp thì cần điều chỉnh, thậm chí có thể sửa đổi, thay thế, bãi bỏ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Theo số liệu thống kê, tính bình quân trong giai đoạn 2007 – 2014, trong tổng số người được giải quyết chế độ thì có khoảng 80% giải quyết hưởng BHXH một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hằng tháng. Hằng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng BHXH một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm.
Nếu cho phép người lao động được lựa chọn nhận BHXH một lần thì người lao động do cuộc sống trước mắt còn khó khăn sẽ lĩnh BHXH một lần. Nhưng khi hết tuổi lao động sẽ khó có điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội… Đây là vấn đề quan trọng mà bản thân người lao động phải cân nhắc, suy nghĩ và lựa chọn hợp lý.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()