Điều chỉnh linh hoạt chính sách thu hút FDI
Nhiều năm trở lại đây, khu vực đầu tư nước ngoài luôn là đòn bẩy tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách cũng như tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Thống kê cho thấy, từ năm 1991 đến nay, nước ta đã thu hút và thực hiện đầu tư gần 162 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến thời điểm này, khối kinh tế ngoại chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; đóng góp 20% thu nội địa và khoảng 20% GDP. Ở những nơi thu hút vốn FDI tốt như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Dương hay Đồng Nai…, nguồn vốn ngoại đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng,…
Mặc dù thành tựu đạt được từ dòng vốn ngoại đã thể hiện những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhưng thu hút FDI cũng đang bộc lộ không ít hạn chế như vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyển giá hoặc sức lan tỏa và mức độ liên kết với doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng. Nhất là hiện nay, chúng ta đã có hơn 640 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh như Vingroup, Vinamilk, TH milk,… đủ năng lực “chèo lái” các lĩnh vực trước đây phải dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp FDI. Từ đó đặt ra vấn đề, các cơ quan quản lý cần sớm hình thành định hướng và chính sách mới trong thu hút FDI nhằm hạn chế những bất cập đang tồn tại, tăng sức lan tỏa của dòng vốn này và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.
Các chuyên gia kiến nghị, thời gian tới, đối với một số lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhiệm thì nên hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài để dành đất cho khối kinh tế “nội” phát triển. Bên cạnh đó, trong khi có thể tiếp tục khuyến khích dòng vốn ngoại vào các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương kém phát triển, cần ưu tiên thu hút FDI ở một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ sinh học, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển (R&D),…
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,… nên tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy các địa phương này trở thành những “đầu tàu” kinh tế của cả nước hoặc từng vùng. Tăng cường thu hút các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới để thông qua quá trình hợp tác, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cần coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa còn hạn chế của dòng vốn ngoại; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, từ đó cải thiện năng lực sản xuất cũng như tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước, hướng đến mục tiêu một triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô lớn hơn nhiều so với hiện tại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()