Điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ y tế do bảo hiểm chi trả
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về các nội dung liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT từ 15/7/2018.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ y tế có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về mức giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật.
Theo đó điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và Trạm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.
Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.
Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.
Bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bộ Y tế cho biết, mức giá vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP.
Các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên sẽ giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; yêu cầu tuyến y tế cơ sở (xã, huyện) phải làm tốt công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý, theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, phát hiện sớm bệnh tật để giảm tỷ lệ mắc chi phí điều trị cho người dân nói chung và quỹ Bảo hiểm y tế, tránh lãng phí xã hội.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 45 tỉnh/thành phố cho thấy, sau khi áp dụng Thông tư 37, ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 4.850 tỷ đồng, năm 2018 giảm 7.150 tỷ đồng; tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đến nay đã có 159 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên); giảm số lượng người làm việc tại các bệnh viện hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Thống kê cho thấy riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm được trên 20.000 người hưởng lương từ ngân sách, với số tiền khoảng 1.900 tỷ đồng/năm.
“Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã khiến quỹ BHYT phải tăng chi cho các bệnh viện 7-8 nghìn tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, đây là khoản tiền được chuyển từ BHYT thanh toán, thay cho ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện”, ông Nam Liên cho biết thêm.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()