Điều chỉnh giá điện: EVN thu thêm 20.000 tỷ để chi trả các yếu tố đầu vào
Với mức điều chỉnh tăng giá điện thêm 8,36% mà Bộ Công Thương vừa công bố chiều ngày 20/3 thì mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng, sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) giải thích nhiều vấn đề quanh việc tăng giá điện lần này. |
Khuyến khích sử dụng ít điện hơn
Theo phương án điều chỉnh giá điện, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt gồm 6 bậc: Bậc 1: cho kWh từ 0-50 sẽ chịu mức giá 1.678 đồng/kWh; Bậc 2: cho kWh từ 51 – 100 áp dụng mức giá 1.734 đồng/kWh; Bậc 3: cho kWh từ 101 – 200 áp dụng mức giá 2.014 đồng/kWh; Bậc 4: cho kWh từ 201 – 300 áp dụng mức giá 2.536 đồng/kWh; Bậc 5: cho kWh từ 301 – 400 áp dụng mức giá 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên áp dụng giá 2.927 đồng/kWh.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước là 2.461 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với mức điều chỉnh tăng giá 8,36%, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng. Các khách hàng sử dụng từ 50-100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng, tăng 8,4%.
Khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 31.600 đồng. Khách hàng sử dụng tới 300 kWh sẽ phải trả 53.100 đồng. Khách hàng sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng.
Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỉ lệ rất cao, khoảng trên 25 triệu khách hàng. Trong đó, sử dụng dưới 100kWh chiếm nhiều nhất, khoảng 35,6%, trên 300kWh chưa đến 15% còn sử dụng trên 400kWh chỉ khoảng 7,9%.
“Với đặc điểm phụ tải sinh hoạt hiện nay thì việc duy trì giá điện bậc thang là cần thiết, chúng ta quan tâm đến số đông nhiều hơn. Cách tính giá điện bậc thang này nhằm khuyến khích hộ nghèo sử dụng điện thấp để có giá rẻ, bù lại những hộ sử dụng càng nhiều thì càng phải tính giá cao hơn. Chính vì thế chúng tôi luôn tuyên truyền cần sử dụng tiết kiệm điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích.
Đối với các ngành sản xuất, giá bán lẻ điện cấp điện áp từ 110kV trở lên, trong giờ bình thường là 1.536 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 970 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.759 đồng/kWh. Với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV, giờ bình thường là 1.555 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 1.007 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.871 đồng/kWh. Cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV, trong giờ bình thường là 1.611 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 1.044 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.964 đồng/kWh.
Với một số ý kiến cho rằng, giá điện sản xuất rẻ hơn điện sinh hoạt là không công bằng, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện sản xuất sử dụng điện áp 110v nên tổn thất do chuyển đổi để hạ áp thấp hơn so với sử dụng điện áp 220v của điện sinh hoạt. Hệ thống điện càng nhỏ thì chi phí chuyển đổi sẽ không cao và ngược lại. Vì thế giá điện sản xuất rẻ hơn điện sinh hoạt.
EVN thu thêm 20.000 tỷ để chi trả các yếu tố đầu vào
Ông Đinh Quang Tri cũng cho biết thêm, đợt tăng giá điện từ ngày 20/3/2019 sẽ giúp EVN thu thêm được 20.000 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các yếu tố đầu vào.
Cụ thể, cùng với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 20/3, giá than cũng được phép điều chỉnh tăng lần 2 trong năm 2019 (lần thứ nhất tăng vào ngày 5/1/2019) và phần giá khí trong bao tiêu cũng được chuyển sang tính theo cơ chế thị trường và biến động theo giá dầu.
Như vậy, phần trả cho giá than tăng 2 lần gần đây là hơn 5.000 tỷ đồng, phần chênh lệch giữa nhập khẩu than ngoại về trộn với than nội để cung cấp cho sản xuất điện là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 7.000 tỷ đồng. Cộng thêm đó là hơn 6.000 tỷ đồng giá khí trong bao tiêu được chuyển ra tính theo giá thị trường được EVN trả cho Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) để đơn vị này nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với khoản tiền 3.825 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của các đơn vị phát điện ngoài EVN đã được hoãn lại do năm 2018 không tăng giá điện, EVN sẽ trình tới Bộ Công thương để quyết định chi trả cụ thể…
“Tổng các khoản mà EVN phải thanh toán là gần 21.000 tỷ, trong khi nguồn thu là hơn 20.000 tỷ đồng và EVN gần như chỉ là trung gian thu xong để trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và thuế. Những chi phí này EVN không thể cáng đáng và phải thanh toán”, ông Tri nói.
Ngày 20/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 20/3/2019 là 1.864,44 đồng/kWWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tăng tương đương 8,36%.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()