Điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Sau hai năm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chất lượng các dịch vụ y tế đã được cải thiện, theo đó quyền lợi của người có thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã được nâng cao rõ rệt.
Tại Hội nghị “Cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức ngày 14/4 tại Vũng Tàu, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, để đạt được các mục tiêu đề án thực hiện BHYT toàn dân, tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ 75% dân số tham gia BHYT, năm 2020 có 80% dân số tham gia BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT; từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu trong năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của người dân xuống dưới 40%, thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ góp phần thức đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu trên.
Hội nghị “Cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT |
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân
Ông Nguyễn Nam Liênnhấn mạnh, Từ năm 2013, lộ trình bắt đầu điều chỉnh giá y tế đã được thực hiện nhưng mới bắt đầu từ 3 yếu tố là các chi phí thực trực tiếp như chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện nước, xử lý thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ ở mức 60-70% nhưng chưa đủ để bù đắp các chi phí cơ bản. Hiện nay giá dịch vụ này khác nhau dựa theo từng mức độ, cấp bệnh viện, trong khi thẻ BHYT lại có giá trị ngang nhau nên dẫn đến tình trạng mức độ thụ hưởng của những người có thẻ BHYT không đồng đều và công bằng.
Vì vậy, trong lộ trình điều chính giá dịch vụ sẽ đưa ra mức giá dịch vụ y tế giống nhau trong cả nước. Theo đó, trong 2018, sẽ tính đủ 7 yếu tố (gồm 3 chí phí nêu trên và thêm chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sữa chữa lớn; khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học) vào giá dịch vụ và thống nhất ở tất cả các bệnh viện trong cả nước.
Đặc biệt, với chủ trương cải cách hành chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, sẽ giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong KCB trước đây, từ đó dành ngân sách Nhà nước để chuyển sang hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên, khó khăn; y tế dự phòng; các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, nếu tính đúng và đủ các chi phí dịch vụ y tế, ngân sách Nhà nước cũng sẽ chuyển sang hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng thông qua BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội.
Mặt khác, khi được tính đúng, tính đủ các yếu tố như tuyển dụng nhân lực, tu dưỡng trang thiết bị, triển khai các dịch vụ theo đúng chất lượng, quy chuẩn do Bộ Y tế quy định. Nếu giá dịch vụ được tính theo một quy định nhất định, giá dịch vụ của các bệnh viện công, bệnh viện tư sẽ tương đương nhau, khi đó các bệnh viện muốn thu hút người KCB đòi hỏi phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ có tác động đến một số đối tượng như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi; đối tượng cận nghèo sẽ được BHYT thanh toán 95% chi phí (trước đây phải trả 80%), chỉ phải trả 5% (trước đây 20%); các đối tượng làm nông, lâm ngư nghiệp…
Đặc biệt, theo ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ đem lại những hiệu quả kinh tế – xã hội.
Theo đó, người bệnh, người có thẻ BHYT sẽ là những người được BHYT thanh toán với mức cao hơn nên sẽ giảm bớt sự đóng góp của người bệnh đối với các dịch vụ trước đây. Đồng thời, khi có nguồn thu từ tính đúng, tính đủ phi phí dịch vụ sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai các dịch vụ, kỹ thuật y tế mới hiện đại, khi đó, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn của mình và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Với cơ sở y tế, có điều kiện mua các loại thuốc, phương tiện KCB hiện đại để nâng cao năng lực và chất lượng KCB. Với việc thúc đẩy xã hội hóa y tế sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai các dịch vụ và năng lực KCB…
Nâng cao chất lượng KCB
Để người bệnh, người có thẻ BHYT được thụ hưởng đúng, đủ các chất lượng dịch vụ trong ngành y tế so với chi phí bỏ ra từ việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng phải nâng cao chất lượng KCB để đem lại sự hài lòng cho người KCB.
Đặc biệt, sẽ khuyến khích các bệnh viện công vay vốn, thực hiện xã hội hóa để đầu tư. Giá bệnh viện công và tư sẽ tương đương nên khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho y tế, tạo cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các thành phần kinh tế trong KCB.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, song song với quá trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung phải có các giải pháp nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế.
Cụ thể, phải đổi mới về mặt quản lý chất lượng KCB; đổi mới về phương pháp đánh giá chất lượng, trong đó đánh giá chất lượng bệnh viện có vai trò quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng KCB; đổi mới cách làm như thống nhất quy trình KCB, cải tiến quy trình và thủ tục trong KCB, tăng sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ BHYT; thực hiện “lấy người bệnh là trung tâm”, theo đó, triển khai đường dây nóng, công khai số điện thọai của bệnh viện, thu nhận và xử lý kịp thời, chính xác các thông tin phản hồi của người bệnh, tạo sự tương tác giữa bệnh nhân và bệnh viện.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng KCB chính là tập trung nỗ lực giảm tải bệnh viện. Cụ thể, giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất quá cao (lớn hơn 120%) dối với các bệnh viện Trung ương và bệnh viện thuộc tuyến cuối của bệnh viện thuộc Hà Nội và TPHCM xuống 100%.
Đồng thời cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào cuối năm 2015 từ đó phấn đấu năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Đặc biệt, tăng tiến độ triển khai giải pháp bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình; đưa bác sỹ trẻ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn; giảm thời gian và lưu lượng người chờ KCB tại các khoa KCB của các bệnh viện; đảm bảo bác sỹ không khám quá 50 bệnh nhân/ngày.
Theo CPV
Ý kiến ()