Điều chỉnh để thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đợt hạn hán khốc liệt trong mùa khô vừa qua, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với gần 16 nghìn ha cây trồng bị mất trắng, hơn 165 nghìn ha cà-phê, tiêu, lúa nước bị giảm năng suất, chất lượng... Để tạo điều kiện cho người dân yên tâm khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân lựa chọn cây trồng, phương pháp canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Lựa chọn cây trồng phù hợp
Do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán cho nên hầu hết năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ đông xuân 2015 – 2016 ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai thấp so với các vụ trước, huyện đã chuyển đổi 80 ha cây trồng các loại; trong đó: sắn 70 ha, đậu đỗ 10 ha và mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chanh dây, sắn… cho nông dân.
Chúng tôi về xã Đắc Rơ Ta, xã vùng 3 của tỉnh Gia Lai, nông dân ở đây đã và đang chọn cho đồng đất của mình những loại cây trồng thích hợp. Gia đình nông dân Vi Văn Vinh, mới chuyển về thôn 3 lập nghiệp hơn một năm và anh đã chọn cây chanh dây để trồng trên hai sào đất. Chỉ sau một năm, cây chanh dây đã cho quả, thu được từ 10 đến 15 tấn quả, nếu giá ổn định, gia đình anh có thu nhập khá. Ngoài cây chanh dây, anh Vinh cũng chọn và trồng thêm 200 trụ tiêu, mới năm thứ 2 mà tiêu phát triển khá tốt.
Các ngành chức năng ở thành phố Plây Cu cũng giúp nông dân chuyển đổi gần 150 ha ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng rau xanh và hoa màu các loại. Dự kiến từ năm 2016 đến năm 2020, chuyển đổi thêm hơn 50 ha diện tích đất khô hạn nữa sang trồng các loại rau màu. Trên cùng đơn vị diện tích, một năm chỉ canh tác lúa một vụ thì nay bà con đã canh tác bốn vụ rau màu. Mỗi sào rau màu cho thu hoạch từ 40 đến 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nước, đó là cách làm sáng tạo của nông dân ở cánh đồng Ia Luc, làng Ia Lang, phường Chi Lăng (TP Plây Cu, tỉnh Gia Lai), nơi có gần 60 ha trồng rau, màu, là điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn. Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Long, thôn 5 xã Diên Phú, TP Plây Cu, tỉnh Gia Lai, cách đây hai năm đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích cây trồng không chịu hạn chuyển sang ươm trồng các loại hoa. Với diện tích gần ba héc-ta trồng lan, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu hơn 1 tỷ đồng.
Vườn cây thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Phúc Phương, thôn Đồng Tâm 2, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai mới trồng được 10 tháng tuổi, nhưng đã cho thu bói. Ông Phương cho biết trên diện tích này, trước kia gia đình trồng lúa nước, nhưng thu hoạch bấp bênh do thiếu nước. Nay ông trồng cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập ổn định và cao gấp từ 10 đến 20 lần so trồng lúa nước. Vườn trồng chuối, rộng 2 sào của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Thanh Giáo, xã Ia Krệt, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vốn là đất trồng lúa, nhưng thường bị hạn về mùa khô, còn mùa mưa thì ngập úng, nay chuyển đổi sang trồng chuối cho thu nhập gấp từ 3 đến 5 lần so trồng lúa.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi được gần 1.000 ha từ đất trồng lúa nước thường bị hạn, sang trồng các cây trồng khác cho thu nhập ổn định. Dự kiến trong những năm tới, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Gia Lai sẽ giúp đỡ người dân chuyển đổi hơn 5.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho năng suất cao và ổn định hơn so với trồng lúa.
Đưa công nghệ cao vào trồng trọt
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học – Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Ea Kmát Trần Vinh cho biết: Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên đã hướng chúng tôi nghiên cứu và chọn lựa những loại giống đưa vào sản xuất sao cho phù hợp với nhiều vùng đất. Như loại cà-phê chín muộn, tránh được một lần tưới nước trong năm, mỗi năm Viện cung cấp giống cà-phê loại này cho gần 20 nghìn ha. Hiện nay, Viện chuyển giao công nghệ tưới nước nhỏ giọt được 50 ha cho nông dân và nông dân đã nhân rộng mô hình này rất nhiều lần.
Huyện Cư M’gar là vùng chuyên canh cây cà-phê lớn nhất của tỉnh Đác Lắc với 36 nghìn ha, là cây chủ lực của huyện song do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do biến đổi khí hậu cho nên cần phải chuyển đổi những diện tích không phù hợp. Qua kiểm tra, đến ngày 30-6-2016, Cư M’gar có hơn 16 nghìn ha bị khô hạn, trong đó thiệt hại từ 30 đến 70% là hơn 15 nghìn ha. Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương Văn Chi cho biết: Huyện chỉ đạo quyết liệt để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó Cư M’gar tập trung giúp nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, giúp nông dân lựa chọn phương pháp canh tác phải phù hợp từng vùng đất và có chế độ hỗ trợ để nông dân chuyển đổi.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar Nguyễn Ngọc Giao nói với chúng tôi: Hiện trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ cho nông dân cũng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, trước mắt, trung tâm dạy cho nông dân vùng khó khăn, vùng khô hạn biết những cây trồng thích hợp với đồng đất và tiền vốn của mình. Như thí điểm trồng loại dưa lưới Chu Phấn, giống của Đài Loan (Trung Quốc), một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá thành cao từ 30 đến 100 nghìn đồng/kg đã và đang chuyển giao cho nhiều hộ nông dân. Ngoài ra, trung tâm còn thực nghiệm và trồng thành công nhiều loại cây, hoa cho giá trị kinh tế cao, thích ứng với khí hậu để chuyển giao cho nông dân.
Một trong những giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, đó là tưới nước tiết kiệm, hợp lý cho cây trồng. Đi thăm vườn cà-phê của nông dân Bùi Thị Yến, ở thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, chúng tôi được giới thiệu phương pháp tưới nước tiết kiệm mà chị đầu tư cho sáu ha cà-phê, chị cho biết: Từ khi có hệ thống này, một mình chị đảm nhiệm được công việc tưới nước mà trước đây phải mất từ năm đến sáu lao động và tiết kiệm được từ 20% đến 30% lượng nước tưới cho mỗi vụ, quả cà-phê cũng to hơn trước. Nhận thấy kết quả rõ rệt này, chị nhân rộng mô hình này ra năm sào tiêu. Còn anh Bành Việt Tùng, thôn 4, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar cho biết, 3 ha bơ của anh được trồng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện. Vườn bơ trái vụ cho năng suất cao hơn bơ chính vụ và nhờ tiết kiệm được nước tưới cho nên đạt hiệu quả kinh tế cao.
Các tỉnh ở Tây Nguyên đã và đang lựa chọn cây trồng, phương pháp canh tác mới để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Vấn đề là các nhà khoa học, các nhà quản lý cần trực tiếp đồng hành giúp nông dân nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả ra toàn vùng, để Tây Nguyên luôn xanh.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()