Điều chỉnh Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa canh tranh quốc tế
Qua 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu, ngành chăn nuôi đã tạo ra được một số chuyển biến tích cực trong các khâu giống, kiểm soát dịch bệnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, bước đầu xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng. Dù vậy, ngành vẫn chưa thực sự tạo được chuyển biến lớn.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu, Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai, đồng thời nhận được sự hưởng ứng từ hầu hết các địa phương trên cả nước. Kết quả cho thấy, những năm vừa qua, ngành chăn nuôi đã duy trì tốc độ tăng trưởng 4-5%.
Tuy nhiên, nhìn chung quá trình tái cơ cấu diễn ra còn chậm, chưa thực sự tạo được chuyển biến trong toàn ngành. Hiện nay, năng suất chăn nuôi vẫn còn ở mức thấp và khả năng cạnh tranh chưa cao. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn là vấn đề bất cập. Trong một số lĩnh vực của ngành tồn tại sự mất cân đối về cơ cấu sản xuất, phân bổ lợi ích chưa hài hòa.
Lý giải về nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, do nhận thức và cách tiếp cận tái cơ cấu ngành chưa phù hợp, chưa thấy rõ được yêu cầu đặt ra và thiếu chính sách đầu tư tạo động lực cho phát triển sản xuất. Lĩnh vực nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong khâu quản lý và sản xuất còn yếu; hình thức tổ chức sản xuất mới xuất hiện chưa nhiều.
Để khắc phục khó khăn, đáp ứng những yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý và thực tiễn sản xuất chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương điều chỉnh, hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế. Trong đó, cần đưa ra được mục tiêu với chỉ số cụ thể để triển khai thực hiện, kiểm tra và đánh giá quá trình thực hiện.
Nội dung tái cơ cấu cần bám sát được việc lựa chọn vật nuôi lợi thế theo địa phương, các vùng và cả nước; tìm ra các giải pháp tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành và phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm chủ lực. Kiểm soát giết mổ, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về các giải pháp chính, Bộ trưởng yêu cầu ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cơ sở kết hợp giữa các Viện, trường với các doanh nghiệp (đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của các nước trên thế giới). Tiếp tục tăng cường nhập khẩu các giống tiến bộ để đưa vào sản xuất, chăn nuôi; tăng cường nghiên cứu, chọn tạo các giống vật nuôi có sức kháng bệnh cao. Tăng cường năng lực thú y gắn với kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về tổ chức lại sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất trở thành các gia trại, trang trại chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Tổ chức lại liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần đề xuất được một số chương trình, dự án tạo động lực thúc đẩy, có bước đột phá trong khâu giống; tăng cường năng lực cho Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và triển khai một số chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông trọng điểm trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ngoài ra, Cục Thú y cần tiếp tục xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo kế hoạch của Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm giai đoạn 2014-2018” đã được phê duyệt, phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan thiết lập cơ chế thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu giống và sản phẩm chăn nuôi; tập trung triển khai tái cơ cấu theo hướng tăng cường năng lực của hệ thống thú y./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()