Điều chỉnh đào tạo nghề để học sinh năm 2 đã có thể nhận lương
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng cần điều chỉnh lĩnh vực đào tạo lao động theo mô hình để học sinh học nghề từ năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được nhận lương theo các quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp phải là đơn vị tham gia trực tiếp vào việc đào tạo người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều 10/11. Ảnh: VGP |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, khôi phục lại thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần đẩy mạnh điều chỉnh đào tạo lao động theo mô hình để học sinh học nghề từ năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được nhận lương theo các quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp phải là đơn vị cần tham gia trực tiếp vào việc đào tạo người lao động.
Nhìn nhận về vấn đề liên kết đào tạo nghề, cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn còn lỏng lẻo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ, tại các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã diễn ra hàng trăm năm. Tại Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học. Tại Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề qua trường lớp. Tuy nhiên, khi tuyển lao động từ trường lớp vào làm việc tại doanh nghiệp lại không đáp ứng được nhu cầu công việc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Nghịch lý này đã chứng minh mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa đưa lại hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các trường nghề lớn ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới bố trí việc làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình sẽ làm công việc cụ thể thế nào sau khi tốt nghiệp.
Bộ trưởng dẫn chứng kinh nghiệm từ các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động. Đặc biệt, cần sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động. “Chúng ta phải thật sự có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đầu tư cho lĩnh vực này”, Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời chất vấn về giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ trước hết cần đổi mới giáo dục nghề nghiệp bám vào nguyên tắc chung là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng. Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp, phấn đấu để thực hiện mục tiêu là người dân hay nói cách khác là các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cái học nghề.
Cuối cùng, Bộ LĐTB&XH sẽ xây dựng một chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ.
Về vấn đề lao động gián đoạn cung cầu lao động, Bộ trưởng nêu giải pháp điều tiết để giảm thiểu tác động. Bộ LĐTB&XH đã xây dựng 3 kịch bản. Đáng chú ý, kịch bản đầu tiên là sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề, khuyến khích họ tham gia thị trường lao động. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động. Một kịch bản khác là có thể sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ tham gia vào các chuỗi sản xuất.
Đề cập đến nhận định của đại biểu về năng lực dự báo thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ đây cũng là vấn đề trăn trở của ngành. Trên thực tế, thị trường lao động đang có 2 vấn đề lớn là đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường và chất lượng lao động thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này đúng là xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.
“Tôi từng làm việc với TPHCM và đặt hàng địa phương thử dự báo nhu cầu cung cầu ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả, số người tham gia thị trường lao động ở khu vực còn thiếu, đang cần, có mức lương tốt lập tức thay đổi, tăng lên. Vậy nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập”, Bộ trưởng nói.
Ý kiến ()