Điều chỉnh 4 nội dung liên quan đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiến độ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời bổ sung 3 dự án, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Chiều 15/4, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiến độ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đồng thời bổ sung 3 dự án, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết về đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cách đây 17 năm, đến nay có nhiều vấn đề mới phát sinh, thay đổi so với thời điểm ban hành, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý tên gọi Nghị quyết thành: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để phân biệt với Nghị quyết số 36/2021/QH15 hiện hành và phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024.
Về thời điểm trình, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm chất lượng ban hành luật, nhất là trong điều kiện Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải đảm nhiệm số lượng rất lớn (7 dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7), đề nghị cân nhắc lùi thời gian trình dự án này 1 kỳ họp so với đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ.
Liên quan đến nội dung này, phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ tình hình cháy nổ ở Việt Nam thời gian qua diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, các khu dân cư, các cơ sở karaoke. Do vậy, để nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo công tác này sát với diễn biến hiện nay, rất cần thiết trình dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7.
Ngoài ra, nếu lùi dự án Luật này trình tại Kỳ họp thứ 8 sẽ ảnh hưởng đến các dự án Luật khác đang được chuẩn bị.
Về 4 dự án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà giáo, Ủy ban Pháp luật, Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật nhất trí với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, tuy nhiên phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ là sửa đổi toàn diện, thay thế Luật Điện lực hiện hành nên đề nghị chưa khẳng định ngay việc áp dụng quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp như đề xuất của Chính phủ mà trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đồng thời, quy định rõ trường hợp dự án Luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình, theo đó Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, trường hợp dự án Luật được chuẩn bị tốt, có sự đồng thuận cao, đề nghị thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 1 kỳ họp.
Bộ Công Thương hiện đã thành lập Ban soạn thảo và xây dựng dự thảo lần 1, xin ý kiến rộng rãi. Trong đó, dự án Luật có 6 nhóm chính sách lớn với nhiều nội dung cấp thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đặc biệt đáp ứng yêu cầu, cơ chế, chính sách mới về chuyển đổi năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo. Đây là những nội dung trong Luật hiện hành chưa đề cập tới./.
Ý kiến ()