Điều cần thiết ở mỗi công sở
LSO-Thời gian qua ở Lạng Sơn, một số công sở vẫn còn tình trạng cán bộ thực hiện chưa tốt văn hóa ứng xử khiến người dân bức xúc, có phản ánh kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền… Vì vậy, nâng cao chất lượng văn hóa ứng cử của cán bộ với người dân là điều hết sức cần thiết.
Giao dịch hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Ngày 3/3/2016, Sở Tư pháp Lạng Sơn nhận được phản ánh kiến nghị của ông Hoàng Liêm, khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn liên quan tới những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi không đúng quy định của công chức địa chính UBND xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Trong đơn phản ánh, ông Liêm nêu: Khi nộp hồ sơ về đất đai tại UBND xã Thụy Hùng do công chức địa chính xã – Triệu Văn Doãn thụ lý thì ông chưa nhận được phiếu hẹn. Sau hơn 4 tháng, thấy hồ sơ chậm giải quyết, ông Liêm đến xã Thụy Hùng gặp công chức Doãn nhiều lần và yêu cầu phiếu hẹn thì công chức này trả lời “Ở đâu có phiếu hẹn chứ ở đây không có phiếu hẹn”. Ngay sau khi nhận được đơn, Sở Tư pháp chuyển nội dung phản ánh đến UBND huyện Cao Lộc. Theo báo cáo kết quả xác minh, giải quyết đơn của UBND Cao Lộc: “Do việc hướng dẫn về quy trình cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND xã Thụy Hùng và việc trả lời công dân là chưa rõ ràng dẫn đến công dân bức xúc phát sinh đơn phản ánh, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Đây chỉ là một trong số những kiến nghị của công dân về thái độ ứng xử của cán bộ nhà nước khi giải quyết công việc hành chính. Qua địa chỉ và đường dây nóng, từ năm 2014 đến nay, Sở Tư pháp nhận được gần 10 đơn phản ánh, kiến nghị của người dân. Trong đó, có một số đơn phản ánh về thái độ phục vụ của cán bộ. Anh Nguyễn Ngọc N, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn bức xúc: Tôi đã nhiều lần đến các cơ quan nhà nước chứng thực, xác nhận giấy tờ, tuy nhiên chẳng mấy khi được cán bộ chào hỏi trước, thậm chí họ còn tỏ thái độ dửng dưng, lạnh lùng. Tôi có cảm giác người dân đi nhờ, đi xin cán bộ giải quyết công việc chứ không phải cán bộ đang phục vụ người dân.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đào Thị Ái Thi, Phó hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ quản lý Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Không ít cán bộ thực hiện chưa đúng nghĩa 2 từ “phục vụ” mà vẫn mang phong cách “ban phát” khi tiếp xúc với dân. Sở dĩ như vậy là vì trong mối quan hệ giao tiếp với người dân, cán bộ nghĩ rằng mình không được hưởng lợi từ việc phục vụ dân dẫn tới việc không chú ý đến nâng cao hiệu quả giao tiếp.
Lạng Sơn hiện có gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, khoảng 1.000 cán bộ làm việc tại các bộ phận “một cửa” từ cấp tỉnh đến cấp xã, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử giữa cán bộ với người dân, tuy nhiên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Tại một số công sở vẫn có tình trạng cán bộ không đeo thẻ khi làm nhiệm vụ, một số phòng làm việc còn thiếu biển hiệu, cán bộ sử dụng giờ hành chính vào công việc riêng, có nơi, cán bộ vẫn nói năng cộc lốc, cáu gắt, hạch sách người dân…
Ngày 3/10/2016, UBND tỉnh có Công văn 940/UBND-NC chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Cuối năm 2016, Sở Nội vụ phối hợp bồi dưỡng kiến thức văn hóa công sở, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác tiếp dân tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ, để nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử giữa cán bộ với người dân, mỗi cán bộ cần nhận thức được công việc của mình là phục vụ nhân dân, cần coi mỗi người dân như một “khách hàng” của mình và của nền hành chính; cần đặt mình vào vị trí của người dân để đồng cảm, chia sẻ với người dân khi thực hiện những công việc hành chính.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()